MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA chụp được những đám mây ngay sau khi mặt trời lặn vào ngày 19.3.2021. Ảnh: NASA

Tàu thăm dò NASA chụp ảnh đám mây lấp lánh kỳ thú trên sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 29/05/2021 07:28
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA đã chụp được ảnh những đám mây lấp lánh trên sao Hỏa.

Sao Hỏa với bầu khí quyển mỏng và khô hiếm khi có nhiều mây. Những đám mây thường xuất hiện ở đường xích đạo của hành tinh đỏ vào thời điểm lạnh nhất trong năm, khi sao Hỏa ở xa Mặt trời nhất trong quỹ đạo di chuyển.

Nhưng một năm trước trên sao Hỏa - ​​tương đương hai năm Trái đất - các nhà khoa học NASA nhận thấy các đám mây ở phía trên khu vực tàu thám hiểm Curiosity hình thành sớm hơn dự kiến, NASA tiết lộ ngày 28.5.

Đám mây trôi qua núi Sharp trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Năm nay, tàu thăm dò của NASA đã sẵn sàng để ghi lại những đám mây “sớm” trên sao Hỏa ngay từ thời điểm mây xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng Giêng.

Kết quả là, tàu thăm dò sao Hỏa đã chụp được những đám mây nhỏ đầy tinh thể băng làm phân tán ánh sáng từ Mặt trời khiến một số đám mây lung linh đầy màu sắc.

Không chỉ đẹp mắt, những hình ảnh đám mây sao Hỏa mà tàu thăm dò Curiosity chụp còn giúp các nhà khoa học hiểu cách các đám mây hình thành trên sao Hỏa và tại sao những đám mây gần đây lại khác biệt.

Tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA đã chụp những hình ảnh về những đám mây này trong ngày sao Hỏa thứ 3.075 của sứ mệnh. Ảnh: NASA

NASA lưu ý, tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity đã có khám phá mới: Những đám mây đến sớm trên sao Hỏa năm nay ở độ cao lớn hơn bình thường.

Phần lớn mây trên sao Hỏa ở độ cao khoảng 60km và chứa băng nước. Nhưng những đám mây mà Curiosity chụp được lại ở độ cao lớn hơn. Độ cao này ở phía trên sao Hỏa vốn rất lạnh, cho thấy những đám mây có thể được tạo thành từ carbon dioxide đông lạnh hoặc băng khô.

Các nhà khoa học NASA đang tìm kiếm những manh mối để xác định độ cao cụ thể của những đám mây sao Hỏa để phân tích chi tiết hơn.

Mây trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Những đám mây trên sao Hỏa được quan sát ngay sau khi Mặt trời lặn nên các tinh thể băng của mây bắt được ánh sáng mờ dần, khiến mây dường như phát sáng trên nền trời đang tối. Những đám mây chạng vạng này, còn được gọi là mây “dạ quang”, trở nên sáng hơn khi chứa đầy các tinh thể, sau đó tối dần khi vị trí của Mặt trời trên bầu trời sao Hỏa ở dưới độ cao của đám mây. Đây chỉ là một manh mối hữu ích mà các nhà khoa học sử dụng để xác định độ cao của mây sao Hỏa.

Tuyệt vời hơn nữa là những đám mây lấp lánh, hay còn gọi là mây "xà cừ". “Nếu nhìn thấy một đám mây có một tập hợp màu pastel lấp lánh, đó là vì các hạt đám mây đều có kích thước gần giống nhau. Điều đó thường xảy ra sau khi các đám mây hình thành và đều phát triển với tốc độ như nhau" - Mark Lemmon, nhà khoa học khí quyển của Viện Khoa học Không gian ở Boulder, Colorado, Mỹ, cho biết.

Ảnh: NASA.

Những đám mây sao Hỏa là một trong những thứ nhiều màu sắc hơn trên hành tinh đỏ, ông nói thêm.

Nếu con người ở vị trí của tàu thăm dò Curiosity có thể quan sát mây sao Hỏa bằng mắt thường nhưng màu sẽ mờ nhạt hơn.

“Tôi luôn ngạc nhiên trước những màu sắc hiển thị: Đỏ và xanh lục, xanh lam và tím. Thật là tuyệt khi nhìn thấy thứ gì đó tỏa sáng với nhiều màu sắc trên sao Hỏa” - nhà khoa học khí quyển chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn