MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bề mặt sao Mộc. Ảnh: NASA

Tàu thăm dò NASA giải đáp bí ẩn lớn của sao Mộc

Nguyễn Hạnh LDO | 12/01/2022 12:00
Tàu thăm dò Juno của NASA đã giải đáp bí ẩn về điều gì thúc đẩy các cơn bão xoáy ở cực của sao Mộc.

Space.com đưa tin, một nghiên cứu mới phát hiện các cơn bão xoáy khổng lồ xung quanh các cực của sao Mộc được duy trì bởi quá trình tương tự dẫn đến việc hình thành xoáy nước đại dương trên Trái đất.

Các cơn bão khổng lồ của sao Mộc, trải rộng đến 1.000km, được tàu thăm dò Juno của NASA phát hiện lần đầu tiên vào năm 2016. Kể từ đó, các nhà khoa học suy đoán những cơn bão này được thúc đẩy bởi sự đối lưu - một quá trình được biết đến từ Trái đất. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa thể chứng minh sự tồn tại của quá trình này trên sao Mộc.

Nhà hải dương học Lia Siegelman - một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California (Mỹ) - nhận ra rằng những cơn bão đó khá giống với xoáy nước đại dương mà khoa học nghiên cứu trên hành tinh của chúng ta. 

Ảnh minh họa tàu vũ trụ Juno quay quanh sao Mộc. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

"Khi nhìn thấy sự đa dạng của nhiễu động xung quanh các cơn bão của sao Mộc, tôi bỗng nhớ đến sự hỗn loạn mà bạn có thể thấy trong đại dương xung quanh các dòng xoáy" - Lia Siegelman nói.

Siegelman và các đồng nghiệp của bà đã phân tích một loạt hình ảnh về các cơn bão xung quanh cực Bắc của sao Mộc được chụp với các bước sóng hồng ngoại, những hình ảnh đó cho thấy nhiệt do một vật thể tỏa ra. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cùng một phương pháp giúp các nhà khoa học nghiên cứu các luồng không khí và nước quy mô lớn trong bầu khí quyển và đại dương của Trái đất

Phân tích cho phép nhóm khoa học tính toán hướng và tốc độ của gió, cũng như theo dõi chuyển động của các đám mây. Họ đã có thể xác định các khu vực có lớp mây mỏng che phủ, nơi họ nhìn được sâu hơn vào bầu khí quyển của sao Mộc và những khu vực bị sương mù dày đặc che khuất.

Phân tích chứng minh rằng, không khí nóng bốc lên vận chuyển năng lượng trong bầu khí quyển và "nuôi" các đám mây cho đến khi chúng phát triển thành các cơn bão quy mô lớn, chẳng hạn như những cơn bão được quan sát xung quanh các cực. 

Bà Siegelman cho biết, cũng giống như khoa học về các đại dương của Trái đất đang giúp vén màn những bí ẩn về bầu khí quyển của sao Mộc, những phát hiện mới này có thể giúp làm sáng tỏ những quá trình quy mô lớn trên Trái đất. 

Ví dụ, cơ chế vật lý đang hoạt động trên sao Mộc có thể tiết lộ các tuyến đường trao đổi năng lượng cũng có thể đang tồn tại trên Trái đất mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định được. 

Juno là tàu vũ trụ đầu tiên chụp ảnh các cực của sao Mộc, vì các tàu thăm dò trước đó khám phá hành tinh khổng lồ bằng cách quay quanh đường xích đạo. Tàu đã tìm thấy 8 cơn bão xung quanh cực Bắc của hành tinh và 5 cơn bão ở phía nam, tất cả chúng vẫn còn tồn tại hơn 5 năm sau khi được phát hiện. 

Nghiên cứu được công bố ngày 10.1 trên tạp chí Nature Physics. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn