MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh những tảng đá trầm tích sao Hỏa ở Mount Sharp do tàu thăm dò Curiosity chụp. Ảnh: Mars Curiosity Rover

Tàu thăm dò NASA nhầm về đối tượng khám phá trên sao Hỏa

Hải Anh LDO | 10/08/2021 11:00
Tàu thăm dò Curiosity của NASA đã khám phá trầm tích bề mặt chứ không phải trầm tích hồ trên sao Hỏa, theo nghiên cứu mới.

Năm 2012, NASA đã hạ cánh tàu thăm dò Curiosity xuống miệng núi lửa Gale, địa điểm mà nhiều nhà khoa học cho rằng từng là một hồ cổ trên sao Hỏa cách đây hơn 3 tỉ năm.

Kể từ thời điểm đó, tàu thăm dò sao Hỏa của NASA đã tiến hành những phân tích địa chất trong hơn 3.190 sol (ngày sao Hỏa, tương đương với 3278 ngày Trái đất).

Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu khoa học Trái đất, khoa Khoa học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, những trầm tích mà tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity đo đạc trong hầu hết thời gian sứ mệnh không thực sự hình thành trong hồ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, gò đá trầm tích lớn được tàu thăm dò sao Hỏa của NASA khám phá và phân tích trong 8 năm qua thực tế là cát và phù sa lắng đọng từ nơi khác được gió thổi lại bồi đắp nên. Các khoáng chất biến đổi hình thành do tương tác giữa nước và cát không xảy ra trong môi trường hồ.

Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng, môi trường "ẩm ướt" thực sự đại diện cho quá trình phong hóa tương tự như sự hình thành đất do mưa trong một bầu khí quyển cổ xưa rất khác so với hiện tại.

Hình ảnh bên trái mô hình giả định miệng núi lửa Gale là một hồ nước lớn, sâu. Hình ảnh bên phải là mô hình do Liu và các cộng sự đề xuất, trong đó chỉ có các hồ rất nhỏ, nông tồn tại ở miệng núi lửa Gale. Ảnh: ESA

Phát hiện được công bố trên tạp chí Science Advances. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phép đo hóa học và phép đo nhiễu xạ tia X cùng những hình ảnh về kết cấu đá để tiết lộ các xu hướng thành phần trong đá liên quan đến các quá trình địa chất như thế nào.

Nghiên cứu do nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Jiacheng Liu, cố vấn của Liu là Phó giáo sư Joe Michalski và đồng tác giả Giáo sư Mei Fu Zhou thực hiện.

Phó giáo sư Joe Michalski cho hay: “Jiacheng đã chứng minh một số mô hình hóa học rất quan trọng trong đá không thể giải thích được trong bối cảnh của môi trường hồ".

Hiểu được bầu khí quyển sao Hỏa và toàn bộ môi trường bề mặt và sự liên quan của chúng điều quan trọng trong khám phá sự sống trên sao Hỏa.

Phó giáo sư khoa học Trái đất Ryan McKenzie nhận định, Liu và các đồng tác giả đã thực hiện những quan sát hấp dẫn thông qua việc sử dụng các kỹ thuật viễn thám để tìm hiểu thành phần hóa học của các trầm tích cổ hình thành trong giai đoạn đầu. Dữ liệu của nhóm đặt ra những thách thức với các giả thuyết hiện có về cả môi trường trầm tích của những khối đá độc đáo trên sao Hỏa và các điều kiện khí quyển mà những khối này hình thành. "Công việc này sẽ truyền cảm hứng cho những hướng đi mới và thú vị với nghiên cứu trong tương lai" - phó giáo sư nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn