MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đụn cát trên sao Hỏa do tàu Chúc Dung của Trung Quốc chụp được trước khi ngủ đông vào tháng 5.2022. Ảnh: CNSA

Tàu thăm dò Trung Quốc tìm thấy dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa

Song Minh LDO | 01/05/2023 06:00
Tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc tìm thấy dấu vết nước - dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa.

Nước có thể phổ biến và tồn tại gần đây hơn trên sao Hỏa so với suy nghĩ trước đây, dựa trên quan sát của tàu thám hiểm sao Hỏa Trung Quốc về các đụn cát trên hành tinh đỏ.

Theo AP, phát hiện này nêu bật những khu vực mới, có khả năng màu mỡ ở những vùng ấm hơn của sao Hỏa, nơi có thể có điều kiện phù hợp để sự sống trên sao Hỏa tồn tại, mặc dù cần phải nghiên cứu thêm.

Tin tức này được đưa ra vài ngày sau khi giới chức Trung Quốc thừa nhận rằng tàu tự hành Chúc Dung vẫn chưa thức dậy kể từ khi ngủ đông trong mùa đông trên sao Hỏa gần một năm trước.

Zhang Rongqiao - nhà thiết kế chính của sứ mệnh - cho biết, các tấm pin mặt trời của Chúc Dung có khả năng bị phủ đầy bụi, làm tắt nguồn điện khiến xe tự hành khó hoạt động trở lại.

Trước khi ngủ đông, Chúc Dung đã quan sát thấy những đụn cát giàu muối với những vết nứt và lớp vỏ, mà các nhà nghiên cứu cho biết có thể được trộn lẫn với sương giá buổi sáng hoặc tuyết tan chảy cách đây vài trăm nghìn năm.

Khoảng thời gian ước tính của họ là khi các vết nứt và các đặc điểm cồn cát khác hình thành ở Utopia Planitia - một đồng bằng rộng lớn ở bán cầu bắc, vào khoảng sau 1,4 triệu đến 400.000 năm trước, hoặc thậm chí trẻ hơn.

Các điều kiện trong thời kì đó tương tự như các điều kiện hiện nay trên sao Hỏa, với sông hồ khô cạn và không còn chảy như hàng tỉ năm trước.

Nghiên cứu cấu trúc và thành phần hóa học của những đụn cát này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về “khả năng hoạt động của nước” trong thời kì này - nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh viết trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances.

“Chúng tôi nghĩ rằng đó có thể là một lượng nhỏ… không khác gì một màng nước trên bề mặt” - đồng tác giả Qin Xiaoguang của Viện Địa chất và Địa vật lí cho biết trong một email.

Tàu Chúc Dung (trái) và tàu đổ bộ. Ảnh: CNSA

Tàu thám hiểm không trực tiếp phát hiện ra bất kì nước nào ở dạng sương giá hoặc băng. Nhưng Qin cho biết các mô phỏng máy tính và quan sát của các tàu vũ trụ khác trên sao Hỏa chỉ ra rằng ngay cả ngày nay, vào những thời điểm nhất định trong năm, các điều kiện có thể phù hợp để nước xuất hiện.

Nhà khoa học hành tinh Frederic Schmidt tại Đại học Paris-Saclay, người không tham gia nghiên cứu, nói rằng điều đáng chú ý về nghiên cứu là độ tuổi của các đụn cát.

“Đây rõ ràng là một phần khoa học mới của khu vực này” - ông nói.

Các túi nước nhỏ do băng giá hoặc tuyết tan, trộn với muối, có thể đã tạo ra các vết nứt nhỏ, bề mặt cứng như vảy, các hạt rời và những đặc điểm khác của cồn cát như chỗ lõm.

Các nhà khoa học loại trừ nguyên nhân do gió, cũng như sương giá tạo thành từ CO2, tạo nên phần lớn bầu khí quyển của sao Hỏa.

Băng giá trên sao Hỏa đã được quan sát kể từ các sứ mệnh Viking của NASA vào những năm 1970, nhưng những lớp sương giá nhẹ buổi sáng này được cho là xảy ra ở một số địa điểm trong những điều kiện cụ thể.

Mary Bourke của Đại học Trinity Dublin, chuyên gia về địa chất sao Hỏa, cho biết xe tự hành đã cung cấp “bằng chứng cho thấy có thể có sự phân bố rộng hơn của quá trình này trên sao Hỏa so với những gì đã xác định trước đây.

Tuy nhiên, hốc nước này nhỏ đến đâu là điều có thể rất quan trọng để xác định các môi trường có thể ở được - Bourke nói thêm.

Ra mắt vào năm 2020, tàu Chúc Dung sáu bánh - được đặt theo tên của một vị thần lửa trong thần thoại Trung Quốc - đã đến sao Hỏa vào năm 2021 và trải qua một năm rong ruổi khắp nơi trước khi đi vào giấc ngủ đông vào tháng 5 năm ngoái. Tàu thám hiểm hoạt động lâu hơn dự định, đi được hơn 1,9 km.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn