MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bánh của tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA. Ảnh: NASA

Tàu thám hiểm NASA hao mòn sau 9 năm trên sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 09/02/2022 11:01
Bánh của tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA bị thủng nhiều mảng lớn do bị bào mòn khi di chuyển trên hành tinh đỏ. 

Tàu thám hiểm Curiosity của NASA đã để lại nhiều dấu ấn trên sao Hỏa trong hơn 9 năm qua. Cảnh quan gồ ghề trong miệng núi lửa Gale của sao Hỏa đã gây ra một số mảng nứt vỡ lớn cho 6 bánh xe bằng nhôm của tàu Curiosity, CNET thông tin. 

Tuy nhiên, hư hại với tàu thám hiểm sao Hỏa dường như nghiêm trọng nhưng không tác động tới hoạt động trong thời gian tới của tàu. 

Ông Andrew Good, phát ngôn viên Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, nơi quản lý sứ mệnh Curiosity, chia sẻ với Space rằng, tình hình các bánh xe hiện tại "dự kiến đủ để hỗ trợ Curiosity trong suốt phần còn lại của sứ mệnh". 

Tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity có kích thước bằng một chiếc ôtô đã hạ cánh ở miệng núi lửa Gale vào tháng 8.2012 nhằm xác định xem khu vực này có từng hỗ trợ sự sống của vi sinh vật hay không. Tàu thám hiểm NASA đã phát hiện Gale có một hệ thống hồ và suối tiềm năng có thể sinh sống được trong quá khứ. 

Tàu Perseverance đã di chuyển tới 245,76m trong một ngày sao Hỏa, hoàn thành chuyến đi dài nhất với một tàu thám hiểm trên hành tinh đỏ. Ảnh: NASA

Kể từ tháng 9.2014, tàu tám hiểm Curiosity đã leo lên sườn của  Mount Sharp, cao 5,5km ở trung tâm của miệng núi lửa Gale. Tàu thám hiểm đang tìm kiếm manh mối tại đây về quá trình chuyển đổi của sao Hỏa từ hành tinh tương đối ấm và ẩm ướt sang hành tinh sa mạc lạnh giá như ngày nay.

Tính đến nay, Curiosity đã di chuyển 27,14km trên sao Hỏa, trong đó có nhiều chặng đường có địa hình gồ ghề, nhiều đá. Các bánh xe của tàu thám hiểm NASA bắt đầu có dấu hiệu hao mòn tương đối sớm trong sứ mệnh khiến đội quản lý ở Trái đất đã triển khai các biện pháp giảm thiểu như chọn tuyến đường có địa hình đơn giản hơn và dùng phần mềm "kiểm soát lực kéo" để điều chỉnh tốc độ của Curiosity theo từng địa hình tàu đi qua. 

Người phát ngôn Good nói rằng, những biện pháp đó dường như đã có hiệu quả. Nhóm sứ mệnh gần đây chụp ảnh kiểm tra bánh xe mỗi khi tàu di chuyển được 1.000m thay vì 500m như trước đây. 

Trải nghiệm mòn bánh xe của tàu thám hiểm Curiosity đã giúp hình thành thiết kế của tàu thám hiểm sao Hỏa tiếp sau của NASA, tàu Perseverance. Perseverance đáp xuống miệng núi lửa Jezero vào tháng 2.2021. Bánh xe của Perseverance có đường kính lớn hơn và có số rãnh gấp đôi so với bánh xe của Curiosity. 

Bóng của trực thăng sao Hỏa Ingenuity trong chuyến bay thứ 19 ngày 8.2.2022. Ảnh: NASA

Cũng liên quan tới hoạt động của các tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA, sứ mệnh Perseverance thông báo trên Twitter rằng tính đến ngày 4.2, tàu Perseverance đã hoàn thành chuyến đi dài nhất với một tàu thám hiểm trong một ngày sao Hỏa khi di chuyển tới 245,76m. Trước đó, kỷ lục di chuyển của một tàu thám hiểm sao Hỏa trong một ngày sao Hỏa là tàu Opportunity với 214m vào năm 2015. 

Trong diễn biến khác, ngày 8.2, trực thăng sao Hỏa Ingenuity đã thực hiện chuyến bay thứ 19 trên sao Hỏa ở khu vực Nam Séítah của miệng núi lửa Jezero, bay qua một sườn núi và lên một cao nguyên. Các quan chức JPL cho biết, trực thăng sao Hỏa ở trên cao trong 99,98 giây và  di chuyển khoảng 62m trong lần cất cánh mới nhất trên sao Hỏa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn