MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ chung của Châu Âu và Nhật Bản bay gần sao Thủy lần đầu ngày 2.10. Ảnh: ESA

Tàu vũ trụ Châu Âu-Nhật Bản áp sát hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt trời

Thanh Hà LDO | 02/10/2021 07:29
Tàu vũ trụ chung của Châu Âu-Nhật Bản áp sát sao Thủy trong lần tiếp cận lần đầu tiên ngày 1.10.

Tàu vũ trụ BepiColombo thực hiện chuyến bay đầu tiên trong số 6 chuyến bay tiếp cận sao Thủy lúc 19h34, giờ ET (tức 06h34 ngày 2.10, giờ Hà Nội).  

Tàu vũ trụ BepiColombo từ từ tiếp cận tới độ cao 200km so với mặt hành tinh để thu thập dữ liệu và hình ảnh khoa học của sao Thủy và gửi trở về Trái đất.

Tàu vũ trụ BepiColombo sẽ bay gần sao Thủy 6 lần. Ảnh: ESA

Sứ mệnh chung của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) được khởi động năm 2018, đã 1 lần bay qua Trái đất và 2 lần bay qua sao Kim trong hành trình tới hành tinh trong cùng của Hệ Mặt trời, theo AP.

CNN lưu ý, sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt trời và là hành tinh gần Mặt trời nhất. Sứ mệnh chung của ESA và JAXA dự kiến thực hiện 6 lần bay gần sao Thủy trước khi đi vào quỹ đạo quanh hành tinh này từ tháng 12.2025.

Nhiệm vụ thực sự của sứ mệnh là đặt 2 tàu thăm dò quanh quỹ đạo sao Thủy: Tàu quỹ đạo hành tinh Mercury Planetary Orbiter của ESA và tàu Mercury Magnetospheric Orbiter hay Mio của JAXA.

Các tàu quỹ đạo này hiện đang xếp chồng lên nhau trong cấu hình hiện tại với thiết bị gọi là module chuyển giao sao Thủy cho đến khi triển khai năm 2025. Khi tàu vũ trụ Bepicolombo tiếp cận sao Thủy để bắt đầu hoạt động nói trên, module tàu vũ trụ sẽ tách ra và 2 tàu quỹ đạo sẽ bắt đầu quay quanh hành tinh.

Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt trời và là hành tinh gần Mặt trời nhất. Ảnh: NASA

Cả 2 tàu quỹ đạo sẽ dành 1 năm để thu thập dữ liệu nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành tinh nhỏ, bí ẩn này như xác định thêm về các quá trình diễn ra trên bề mặt và từ trường sao Thủy.  Thông tin này có thể tiết lộ nguồn gốc và sự tiến hóa của hành tinh gần Mặt trời nhất. 

CNN lưu ý thêm, trong chuyến bay ngày 1.10, camera chính của tàu vũ trụ BepiColombo bị che và không thể chụp ảnh độ phân giải cao. Tuy nhiên, 2 trong số 3 camera giám sát của tàu vũ trụ chụp ảnh bán cầu bắc và nam của hành tinh ngay từ khi tiếp cận ở khoảng cách 1.000km.

Do BepiColombo tiếp cận vào thời điểm ban đêm của hành tinh nên hình ảnh ở điểm gần sao Thủy nhất sẽ không thể hiển thị nhiều chi tiết.

Nhóm nghiên cứu dự đoán những hình ảnh sẽ cho thấy những hố va chạm lớn nằm rải rác trên bề mặt sao Thủy, giống như Mặt trăng của Trái đất. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng các hình ảnh để lập bản đồ bề mặt sao Thủy và tìm hiểu thêm về thành phần của hành tinh.

Một số thiết bị trên cả 2 tàu quỹ đạo sẽ được bật trong quá trình bay để nhận được luồng đầu tiên của từ trường, plasma và các hạt sao Thủy.

Sứ mệnh đến sao Thủy mới nhất được đặt theo tên nhà khoa học Italia Giuseppe ‘Bepi’ Colombo, người phát triển cơ chế hỗ trợ trọng lực mà Mariner 10 của NASA sử dụng lần đầu tiên khi bay tới sao Thủy năm 1974.

Ảnh bề mặt sao Thủy có độ nét cao do tàu vũ trụ Messenger của NASA chụp. Ảnh: NASA

Mariner 10 là tàu vũ trụ đầu tiên được gửi đi nghiên cứu sao Thủy. Tàu đã hoàn thành thành công 3 lần bay vào năm 1974 và 1975. Tiếp theo, NASA gửi tàu vũ trụ Messenger để bay gần sao Thủy 3 lần trong năm 2008 và 2009. Tàu Messenger quay quanh hành tinh này từ năm 2011 đến năm 2015. 

Sao Thủy vốn nổi tiếng khó nghiên cứu vì nằm gần Mặt trời. Nhân loại biết rất ít về lịch sử, bề mặt hoặc bầu khí quyển của sao Thủy. Đây là hành tinh ít được khám phá nhất trong 4 hành tinh đá ở vòng trong Hệ Mặt trời, bao gồm cả sao Kim, Trái đất và sao Hỏa. Độ sáng của mặt trời phía sau sao Thủy cũng khiến hành tinh nhỏ này khó quan sát từ Trái đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn