MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dữ liệu từ tàu vũ trụ Juno của NASA cho thấy các đặc điểm cực quang mờ có thể do các hạt tích điện từ rìa của từ quyển khổng lồ của sao Mộc kích hoạt. Ảnh: NASA.

Tàu vũ trụ NASA phát hiện cực quang mới lạ trên sao Mộc

Hải Anh LDO | 03/04/2021 08:21

Tàu vũ trụ Juno của NASA đã phát hiện ra sự phát xạ cực quang mới lạ trên sao Mộc ở các cực của hành tinh này.

Hiện tượng phát sáng trên sao Mộc được các tia cực tím quang phổ (UVS) trên tàu vũ trụ Juno của NASA phát hiện.

Cực quang trên sao Mộc vừa được phát hiện có đặc trưng là các phát xạ hình khuyên mờ nhưng mở rộng nhanh với tốc độ từ 3,3 đến 7,7 km mỗi giây. Phát hiện được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý: Vật lý Không gian.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI), nơi chế tạo thiết bị UVS của tàu vũ trụ Juno, cho rằng, những phát xạ cực quang trên sao Mộc được các hạt tích điện từ rìa của từ quyển khổng lồ của sao Mộc kích hoạt.

"Chúng tôi nghĩ rằng những tia cực tím mờ nhạt đặc trưng mới được phát hiện có nguồn gốc cách sao Mộc hàng triệu dặm, gần ranh giới của từ quyển sao Mộc với gió mặt trời" - Vincent Hue, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong báo cáo kết quả.

"Gió mặt trời là một dòng siêu âm của các hạt mang điện do mặt trời phát ra. Khi đến sao Mộc, chúng tương tác với từ quyển của hành tinh này theo cách mà chúng ta vẫn chưa hiểu rõ" - nhà nghiên cứu nói thêm.

Hình ảnh màu giả về các đặc điểm cực quang của sao Mộc mở rộng theo thời gian. Ảnh: NASA.

Giống như trên trái đất, cực quang trên sao Mộc liên kết với các hạt tích điện trong từ quyển của hành tinh. Tuy nhiên, từ quyển của sao Mộc mạnh hơn trái đất khoảng 20.000 lần. Điều này có nghĩa là hành tinh khí khổng lồ có thể làm chệch hướng gió mặt trời từ khoảng cách xa tới 6 triệu km.

Các hạt tích điện được thiết bị UVS của Juno ghi lại dường như phát ra từ các vùng bên ngoài của từ quyển, nơi plasma từ gió mặt trời tương tác với plasma từ hành tinh khí khổng lồ kiểu sao Mộc. Đổi lại, sự tương tác này có thể thúc đẩy các đặc điểm giống như vòng, được gọi là sự bất ổn định Kelvin-Helmholtz, có thể di chuyển dọc theo các đường sức từ của sao Mộc. Ngoài ra, cực quang mới được phát hiện trên sao Mộc có thể là kết quả của sự kiện các từ trường liên hành tinh hội tụ, sắp xếp và kết nối lại.

Thomas Greathouse, đồng tác giả của nghiên cứu SwRI, cho biết: “Dù có nhiều thập kỷ quan sát từ trái đất kết hợp với nhiều phép đo tại chỗ trên tàu vũ trụ, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về vai trò của gió mặt trời trong việc điều chỉnh lượng phát xạ cực quang của sao Mộc. Động lực từ quyển của sao Mộc, chuyển động của các hạt mang điện trong từ quyển của hành tinh này, phần lớn do vòng quay 10 giờ của sao Mộc, vốn có tốc độ nhanh nhất trong hệ mặt trời, điều khiển. Vai trò của gió mặt trời vẫn còn đang được tranh luận".

Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ quá trình tạo ra phát thải dạng giống hình khuyên mới được phát hiện ở sao Mộc. Sứ mệnh Juno của NASA vừa được kéo dài đến năm 2025 và các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ nghiên cứu các đặc điểm cực quang của sao Mộc một cách chi tiết hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn