MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ DART của NASA và LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Italia trước khi va chạm vào hệ thống tiểu hành tinh Didymos. Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ NASA sẽ lao thẳng vào tiểu hành tinh gần Trái đất

Thanh Hà LDO | 06/10/2021 14:49
Một tàu vũ trụ của NASA đang chuẩn bị phóng có nhiệm vụ đâm thẳng vào một tiểu hành tinh. 

Thời điểm hoàn hảo

Sứ mệnh DART hay Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh kép của NASA, sẽ cất cánh lúc 10h20 tối 23.11 theo giờ Thái Bình Dương (tức 12h20 ngày 24.11, giờ Hà Nội) tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California, Mỹ. 

Sau khi phóng vào tháng 11, NASA sẽ thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh vào tháng 9.2022 để xem có thể tác động như thế nào đến chuyển động của một tiểu hành tinh gần Trái đất.

Mục tiêu của công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh này là Dimorphos - mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh gần Trái đất Didymos. CNN lưu ý, đây sẽ là màn trình diễn toàn diện đầu tiên của NASA về loại công nghệ bảo vệ hành tinh này. 

Tàu vũ trụ DART sẽ hướng tới hệ nhị phân Didymos (ảnh) vào ngày 24.11 trên tên lửa SpaceX Falcon 9. Ảnh: NASA

Các vật thể gần Trái đất (NEO) là các tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo trong phạm vi 48 triệu km so với Trái đất. Phát hiện mối đe dọa từ các vật thể gần Trái đất có khả năng gây hại nghiêm trọng là trọng tâm chính của NASA và các tổ chức không gian vũ trụ khác trên thế giới.

Hai thập kỷ trước, một hệ thống nhị phân liên quan đến một tiểu hành tinh gần Trái đất được phát hiện có mặt trăng quay quanh và đặt tên là Didymos. Trong tiếng Hy Lạp, Didymos có nghĩa là "sinh đôi". Trong hệ thống này, tiểu hành tinh lớn hơn, có chiều ngang khoảng 800m, quay quanh mặt trăng nhỏ hơn có đường kính khoảng 160m.

Vào thời điểm đó, mặt trăng được gọi là Didymos b. Sau đó, Kleomenis Tsiganis, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki và là thành viên của sứ mệnh DART, gợi ý đặt tên mặt trăng là Dimorphos.

Vào tháng 9.2022, Didymos và Dimorphos sẽ tương đối gần Trái đất, cách Trái đất khoảng 11 triệu km. Đây là thời điểm hoàn hảo để sứ mệnh DART triển khai. 

Bước đầu tiên trong nỗ lực chệch hướng tiểu hành tinh nguy hiểm

Tàu vũ trụ DART sẽ cố tình đâm vào Dimorphos để thay đổi chuyển động của tiểu hành tinh trong không gian, theo NASA. Vụ va chạm sẽ được LICIACube, một vệ tinh CubeSat đồng hành do cơ quan vũ trụ Italia cung cấp ghi lại. 

Tom Statler, nhà khoa học chương trình DART tại Trụ sở NASA, cho biết, các nhà thiên văn sẽ so sánh các quan sát từ kính thiên văn trên Trái đất trước và sau va chạm của DART để xác định chu kỳ quỹ đạo của các tiểu hành tinh thay đổi ra sao. Đây là phép đo quan trọng để hiểu cách tiểu hành tinh phản ứng với nỗ lực làm chệch hướng bằng tàu vũ trụ. 

Andrea Riley, giám đốc điều hành chương trình DART tại Trụ sở NASA, cho biết: “DART là bước đầu tiên trong các phương pháp thử nghiệm chệch hướng tiểu hành tinh nguy hiểm". 

Tiểu hành tinh Didymos đến tương đối gần Trái đất vào năm 2003. Ảnh: NASA

Dimorphos được chọn cho sứ mệnh của NASA vì kích thước tương đương với các tiểu hành tinh có thể gây ra mối đe dọa cho Trái đất.

DART đâm vào Dimorphos đang di chuyển với tốc độ 23.760km/h. Một camera trên tàu vũ trụ DART, được gọi là DRACO và phần mềm điều hướng tự động sẽ giúp tàu vũ trụ phát hiện và va chạm với Dimorphos. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên con người thay đổi động lực của một thiên thể trong Hệ Mặt trời theo cách có thể đo lường được, theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.

Ba năm sau vụ va chạm tiểu hành tinh của tàu vũ trụ NASA, sứ mệnh Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ tiếp tục điều tra về Didymos và Dimorphos.

Ba năm sau vụ va chạm, sứ mệnh Hera sẽ đến nghiên cứu chi tiết về Dimorphos, đo các đặc tính vật lý của mặt trăng, nghiên cứu va chạm DART và nghiên cứu quỹ đạo của tiểu hành tinh. 

Việc chờ đợi một thời gian dài để theo dõi tác động của vụ va chạm dựa trên những bài học kinh nghiệm trước đây. Năm 2005, tàu vũ trụ Deep Impact của NASA đã phóng một vật va chạm đồng nặng gần 370kg vào sao chổi Tempel 1. Tuy nhiên, tàu vũ trụ không thể quan sát được miệng va chạm do hàng nghìn tấn bụi và băng được giải phóng ra. Tới năm 2011, sứ mệnh Stardust của NASA mới mô tả đặc điểm của vụ va chạm này. 

Tập hợp dữ liệu quý giá do tàu vũ trụ DART và Hero thu thập sẽ góp phần vào các chiến lược bảo vệ hành tinh, đặc biệt là hiểu được loại lực nào cần để thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh gần Trái đất có khả năng lao vào Trái đất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn