MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa cho thấy tàu vũ trụ Parker của NASA đang quan sát Mặt trời. Ảnh: NASA/Johns Hopkins APL/Steve Gribben

Tàu vũ trụ NASA tạo dấu mốc sửng sốt trên Mặt trời

Nguyễn Hạnh LDO | 16/12/2021 11:30

Tàu vũ trụ Parker của NASA đã bay vào bầu khí quyển khắc nghiệt của Mặt trời

Theo Space.com, tàu vũ trụ của NASA đã dành hơn 3 năm "mon men" theo các hành tinh và tiến dần đến gần Mặt trời để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của gió mặt trời - thứ đẩy các hạt tích điện đi khắp Hệ Mặt trời.

Vì hoạt động của Mặt trời có ảnh hưởng lớn đến sự sống trên Trái đất, từ tạo ra cực quang đến đe dọa cơ sở hạ tầng như vệ tinh, nên các nhà khoa học muốn biết thêm về cách Mặt trời hoạt động để đưa ra dự đoán tốt hơn về thời tiết không gian.

Các dữ liệu từ chuyến bay ngày 28.4 của Parker cho thấy tàu vũ trụ đã lần đầu tiên đi vào bên trong bầu khí quyển của Mặt trời, hay còn gọi là vành nhật hoa. 

Gió mặt trời thoát ra khỏi Mặt trời từ điểm được gọi là bề mặt tới hạn Alfvén. Ảnh: NASA's Goddard Space Flight Center/Conceptual Image Lab/Adriana Manrique Gutierrez

Justin Kasper - tác giả chính của bài báo về cột mốc mới trên tạp chí Physical Review Letters - cho hay: "Chúng tôi đã rất mong đợi rằng, dù sớm hay muộn, chúng tôi sẽ chạm trán với vành nhật hoa trong ít nhất 1 khoảng thời gian ngắn".

Mặt trời không phải là một khối cầu rắn chắc như Trái đất của chúng ta, nhưng nó có một khu vực mà trong đó, lực hấp dẫn khổng lồ của ngôi sao giữ vật chất lại, không cho chúng thoát ra ngoài không gian.

Tuy nhiên, ở một khoảng cách cụ thể so với mặt trời, trọng lực và từ trường không còn có thể giữ vật chất đó được nữa. Chính từ điểm đó, gió mặt trời thoát ra khỏi Mặt trời và không bao giờ quay trở lại. Điểm đó được gọi là bề mặt tới hạn Alfvén. Các nhà khoa học đã không thể đo chính xác vị trí của nó cho đến khi tàu Parker đến được đó.

Trước đây, các bức ảnh chụp xa về vành nhật hoa cho thấy bề mặt tới hạn Alfvén nằm ở đâu đó cách bề mặt Mặt trời từ 6,9-13,8 triệu km - tương đương với 10-20 lần bán kính của Mặt trời. Dữ liệu của Parker cho thấy nó đã bay đến điểm cách bề mặt Mặt trời khoảng 13 triệu km - tương đương 18,8 bán kính Mặt trời. Nghĩa là nó đã vượt qua bề mặt tới hạn Alfvén và đi vào vành nhật hoa của Mặt trời.

Parker nhận thấy bề mặt tới hạn Alfvén không hoàn hảo. Các điểm của nó có khoảng cách không đồng đều so với trung tâm của Mặt trời. Bề mặt cũng có thể thay đổi theo hoạt động của gió mặt trời, do đó, nó phụ thuộc vào chu kỳ mặt trời 11 năm của Mặt trời.

Theo các quan chức NASA, khám phá những chỗ lồi lõm này - nơi có năng lượng Mặt trời phát ra từ bề mặt - có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu cách các sự kiện trên Mặt trời ảnh hưởng như thế nào đến khí quyển và gió mặt trời.

Tàu Parker chỉ có thể bay vài giờ trong vành nhật hoa do điều kiện ở đó quá khắc nghiệt, nhưng nó đã cố gắng xoay sở để đi tới điểm cách bề mặt Mặt trời 15 bán kính Mặt trời. 

Trong chuyến bay tiếp theo, Parker dự kiến sẽ cố gắng lại gần Mặt trời hơn nữa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn