MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ của SpaceX lao xuống Đại Tây Dương. Ảnh: SpaceX

Tàu vũ trụ SpaceX vụt sáng trên bầu trời đêm, lao thẳng xuống Đại Tây Dương

Hải Anh LDO | 02/10/2021 18:56
Tàu vũ trụ chở hàng của SpaceX tạo thành vệt sáng vụt qua bầu trời đêm ở Mỹ, sau đó lao về phía Đại Tây Dương.

Đêm 30.9, giờ địa phương, ở đông nam Mỹ, bất kỳ ai quan sát bầu trời đêm đều có thể nhìn thấy một vệt sáng rực rỡ, kéo dài tới Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông Florida.

Vệt sáng kỳ lạ vụt qua bầu trời đêm này thực tế là tàu vũ trụ Dragon của SpaceX trở về Trái đất sau chuyến đi đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tàu vũ trụ Dragon đã bay lên ISS trong khuôn khổ sứ mệnh tiếp tế hàng hóa thứ 23 của SpaceX cho NASA (CRS-23). Tàu vũ trụ của SpaceX đưa lên ISS nhiều tấn vật tư, thiết bị và các thí nghiệm khoa học cho phi hành đoàn Expedition 65. Tàu Dragon đã ở lại trong không gian từ tháng 8 và quay trở lại Trái đất vào 30.9.

Khoang tàu vũ trụ của SpaceX tách khỏi ISS lúc 9h12 sáng 30.9, giờ EDT khi trạm vũ trụ đang bay qua Thái Bình Dương. Tới 22h07 cùng ngày, tàu Dragon kích hoạt động cơ để rời khỏi quỹ đạo Trái đất và bắt đầu tái nhập bầu khí quyển.

Tàu vũ trụ Dragon của SpaceX được trục vớt lên tàu đón sau khi lao xuống Đại Tây Dương hôm 30.9. Ảnh: SpaceX

Vài phút sau đó, tàu vũ trụ Dragon của SpaceX băng qua bầu trời đêm, để lại một vệt sáng có thể quan sát được khắp khu vực đông nam của Mỹ. Khi tàu vũ trụ của SpaceX đi qua Florida và Georgia, cư dân có thể nghe thấy tiếng nổ lớn. Lúc 22h57 cùng ngày, tàu vũ trụ SpaceX lao xuống Đại Tây Dương. 

SpaceX cũng thông báo trên Twitter xác nhận, tàu vũ trụ Dragon đã tái nhập bầu khí quyển Trái đất thành công và lao xuống Đại Tây Dương.

SpaceX và NASA đã bắt tay vào thu hồi khoang tàu và lấy các thiết bị đưa về từ ISS, trong đó có kết quả của một số thí nghiệm khoa học. Sau đó, khoang tàu vũ trụ có thể tái sử dụng của SpaceX sẽ được làm sạch và chuẩn bị cho lần phóng tiếp theo. Đây là lần thứ hai khoang tàu đặc biệt này bay lên vũ trụ và quay trở lại Trái đất, Space.com lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn