MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh có độ phân giải cao của sao Hỏa do tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 chụp, được Trung Quốc công bố ngày 4.3.2021. Ảnh: CNSA/Tân Hoa Xã.

Tàu vũ trụ Trung Quốc sắp hạ cánh xuống sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 13/05/2021 19:00
Sứ mệnh sao Hỏa Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của Trung Quốc đã quay quanh hành tinh đỏ từ tháng 2 và sẵn sàng để hạ cánh.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sẽ nỗ lực hạ cánh tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung (Zhurong) xuống bề mặt hành tinh đỏ vào ngày mai (14.5), theo các nhà quan sát không gian vũ trụ Trung Quốc.

Nếu tàu Chúc Dung vượt qua "7 phút kinh hoàng" như các tàu thăm dò khác trong hoạt động đáp xuống sao Hỏa ngày 14.5, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia thứ 3 có tàu đáp xuống hành tinh đỏ an toàn.

Sứ mệnh Thiên Vấn 1 đầy tham vọng của Trung Quốc được phóng đi tháng 7.2020 chứa 3 tàu vũ trụ: Một tàu quỹ đạo hiện đang quay quanh sao Hỏa, một tàu đổ bộ và một tàu thăm dò.

Hình ảnh tàu thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn 1 được Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố ngày 1.10.2020. Ảnh: CNSA/Tân Hoa Xã

Đây là sứ mệnh đầu tiên của Trung Quốc lên sao Hỏa và hạ cánh xuống hành tinh này là một nhiệm vụ khó khăn. Cnet lưu ý, chỉ khoảng một nửa sứ mệnh đến sao Hỏa thành công và không có cơ quan nào khác ngoài Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa kể từ năm 1973.

Trung Quốc không công bố nhiều thông tin về thời điểm tàu thăm dò hạ cánh xuống sao Hỏa, tuy nhiên nhiều thông tin cho biết, hoạt động này diễn ra lúc 16h11 ngày 14.5, giờ PT (tức 6h11 ngày 15.5, giờ Hà Nội). Tàu đổ bộ và tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc hiện ở bên trong lớp bảo vệ nhưng sẽ sớm tách ra khỏi tàu quỹ đạo và hướng tới bề mặt sao Hỏa.

Khi tàu vũ trụ của Trung Quốc chạm vào bầu khí quyển của sao Hỏa, khoảng "7 phút kinh hoàng" bắt đầu. Tàu đổ bộ và tàu thăm dò được bảo vệ trong tấm chắn nhiệt, sẽ lao vào bầu không khí mỏng manh của hành tinh đỏ. Khi đâm xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa, tấm chắn nhiệt sẽ rơi ra và một chiếc dù sẽ bung ra để giảm tốc độ.

Hình ảnh bề mặt sao Hỏa do tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 chụp. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA)/Tân Hoa Xã

Cú đáp xuống sao Hỏa của tàu Chúc Dung sẽ khác so với khi tàu vũ trụ Perseverance của NASA đáp xuống hồi tháng 2.2021. Tàu của NASA hạ cánh cẩn trọng bằng phương pháp được gọi là "skycane", trong đó Perseverance nhẹ nhàng đáp xuống bề mặt từng là hồ nước cổ đại của sao Hỏa.

Khu vực hạ cánh tàu Chúc Dung là Utopia Planitia, cùng khu vực tàu đổ bộ Viking 2 của NASA đáp xuống năm 1976. Viking 2 là một sứ mệnh đặc biệt thú vị vì một số nhà khoa học cho rằng tàu này đã tìm thấy dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa.

Trung Quốc dự kiến để tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung ở trên bề mặt sao Hỏa 90 sol (tức 90 ngày sao Hỏa).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn