MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa H3 của Nhật Bản không thể cất cánh trong nỗ lực phóng ngày 17.2.2023. Ảnh: AFP

Tên lửa được kỳ vọng bậc nhất Nhật Bản lại thất bại

Khánh Minh LDO | 17/02/2023 16:18
Tên lửa H3 hàng đầu của Nhật Bản đã không thể cất cánh theo lịch trình vì hai động cơ tăng áp thứ cấp không kích hoạt.

Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, tên lửa H3 hàng đầu của nước này đã không thể cất cánh từ một trung tâm vũ trụ ở bờ biển phía đông nam của Tanegashima vào ngày 17.2 mặc dù động cơ chính đã được kích hoạt.

Trong sự kiện phát trực tiếp (livestream), động cơ chính của H3 bị ngắt sau khi đếm ngược thời gian phóng về 0, để lại tên lửa dài 57 mét trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Tanegashima cùng với trọng tải của nó, vệ tinh quan sát mặt đất ALOS-3, cũng được trang bị cảm biến hồng ngoại được thiết kế để phát hiện tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

"Rất nhiều người đã theo dõi buổi phóng của chúng tôi và chúng tôi thực sự xin lỗi" - giám đốc dự án H3 tại JAXA, ông Masahisa Okada nói trong nước mắt tại họp báo.

JAXA thông báo trong một tuyên bố ngắn gọn: “Liên quan đến vụ phóng tên lửa H3 theo lịch trình ngày hôm nay, chúng tôi nhận được báo cáo rằng động cơ chính đã được kích hoạt nhưng động cơ tăng áp thứ cấp gắn bên hông tên lửa thì không. Chúng tôi đang xác nhận tình hình và sẽ cập nhật thêm thông tin".

Theo truyền thông địa phương, vụ phóng thất bại vốn đã bị trì hoãn và chờ đợi từ lâu là một trở ngại cho chiến lược không gian của Nhật Bản.

"Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản đang lên kế hoạch thử phóng tên lửa một lần nữa sau một hoặc hai tuần tới" - Kyodo dẫn lời ông Okada cho biết.

Tên lửa H3 ban đầu được lên kế hoạch phóng vào tháng 3.2021, nhưng bị trì hoãn do các vấn đề với động cơ giai đoạn một LE-9 mới được phát triển.

Vào tháng 10 năm ngoái, một tên lửa mang theo 8 vệ tinh đã được phóng nhưng không đạt được quỹ đạo đã định.

Nhật Bản chế tạo H3 để tăng cường khả năng tiếp cận không gian độc lập và củng cố cơ hội chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường phóng toàn cầu từ các đối thủ, bao gồm cả SpaceX của Elon Musk.

H3 được thiết kế để đưa các vệ tinh của chính phủ và thương mại vào quỹ đạo và vận chuyển vật tư cho Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Là một phần trong sự hợp tác sâu rộng của Nhật Bản với Mỹ trong không gian, các tên lửa cải tiến sau này cũng sẽ vận chuyển hàng hóa đến trạm vũ trụ mặt trăng Gateway mà NASA dự định xây dựng trong chương trình đưa con người trở lại mặt trăng.

Mitsubishi Heavy Industries - nhà chế tạo và quản lý phóng H3 - hy vọng tên lửa này sẽ thúc đẩy tham vọng không gian của mình khi SpaceX bắt đầu các vụ phóng thương mại bằng tên lửa tái sử dụng, bao gồm cả Falcon 9. Mitsubishi đã dành gần một thập kỷ để thiết kế và chế tạo H3.

Theo báo cáo tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chi phí cho một lần phóng Falcon 9 lên quỹ đạo thấp của Trái đất ở mức 2.600 USD/kg, tương đương khoảng 67 triệu USD một lần phóng. Trong khi đó, mức giá của H2 - tiền nhiệm của tên lửa H3 - là 10.500 USD/kg, tương đương 90 triệu USD một lần phóng.

"Với H3, chúng tôi đang nhắm đến việc giảm một nửa chi phí cho mỗi lần phóng, ở mức khoảng 50 triệu USD" - một phát ngôn viên của Mitsubishi cho biết trước khi ra mắt theo kế hoạch.

Mặc dù các tên lửa có khả năng tải trọng lớn chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu, song ngành công nghiệp vệ tinh thương mại đã tạo ra 386 tỉ USD vào năm 2021 và tiếp tục phát triển, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Vệ tinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn