MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: NASA

Tên lửa SpaceX đưa sữa chua lên vũ trụ

Khánh Minh LDO | 22/12/2021 09:39
Thử nghiệm "sữa chua vũ trụ" đã bắt đầu trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Những lọ vi khuẩn có lợi do các học sinh trung học Australia nuôi cấy đã được phóng lên vũ trụ như một phần của thí nghiệm tạo ra sữa chua giàu chất dinh dưỡng và nghiên cứu ảnh hưởng của vi trọng lực lên các vi khuẩn từ sữa.

Tổng cộng 36 mẫu - chứa sữa đông lạnh và các men vi khuẩn sản xuất sữa chua khác nhau - đã được gửi lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trên một tên lửa SpaceX hôm 21.12. Các phi hành gia trên ISS sẽ làm tan băng những mẫu này để trong tương lai có thể sản xuất các sản phẩm của riêng họ.

Thí nghiệm bao gồm các mẫu vật được khoảng 40 học sinh trên khắp bang Victoria nuôi cấy. Đây là những học sinh đã tham gia thử thách đổi mới không gian do Đại học Swinburne tổ chức. Điều phối viên của chương trình, cô Sara Webb, nói với tờ The Guardian rằng các thí nghiệm trước đây trên ISS đã cho thấy hành vi của vi khuẩn bị thay đổi như thế nào do trọng lực thấp hơn.

Ví dụ về những thay đổi như vậy bao gồm ít đột biến hơn trong ADN của vi khuẩn và sao chép nhanh hơn. Ngoài ra, theo cô Webb, các chủng vi khuẩn thực tế có thể hoạt động tốt hơn trong không gian so với trên Trái đất. Cô hy vọng rằng sữa chua được sản xuất trong không gian cũng bổ dưỡng như các sản phẩm từ sữa trên hành tinh quê hương của chúng ta.

"Chúng tôi hy vọng có thể nói: Đúng, không chỉ có sữa chua mới có thể tồn tại trong không gian - vì vậy về mặt kỹ thuật, bạn có thể gửi một người bình thường đến sao Hỏa cùng với một số vi khuẩn đông lạnh cùng một hộp sữa và anh ấy có thể tự làm sữa chua".

Một nhóm sinh viên đã gửi 20 lọ để nghiên cứu xem các loại sữa khác nhau - chẳng hạn như sữa nguyên kem hay các loại làm từ đậu nành - có ảnh hưởng đến loại sữa chua được sản xuất hay không. 16 mẫu còn lại chứa nhiều loại sữa và một hoặc nhiều chủng vi khuẩn.

Thí nghiệm sẽ tính xem sữa đã được lên men trong bao lâu, dao động từ một đến ba ngày. Nhiệt độ bên trong ISS, thường là khoảng 23 độ C, cũng sẽ có thể thay đổi vì sữa chua thường được nuôi ở khoảng 37 độ C hoặc cao hơn.

Khi các mẫu trở lại sau khoảng sáu tuần, các sinh viên sẽ phân tích độ nhớt, thành phần dinh dưỡng và hàm lượng axit lactic của sữa chua thu được so với lô đối chứng được ủ trên Trái đất.

Mặc dù đang phấn khích với thí nghiệm, song, Aysel Sapukotana, một trong những sinh viên tham gia, nói với The Guardian rằng sẽ "có chút vấn đề" nếu các phi hành gia "ăn thứ này và họ không có đủ protein cùng chất dinh dưỡng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn