MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thiếu nữ trong dịp Nauryz 2022 ở thành phố Nur-Sultan, Kazakhstan. Ảnh: Dịch vụ báo chí của akimat (chính quyền thành phố) Nur-Sultan.

Tết và Nauryz có gì khác nhau?

Yerlan Baizhanov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam LDO | 26/01/2023 20:00

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là lần thứ 4 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov đón Tết ở Việt Nam. Đại sứ đã gửi tặng riêng Lao Động bài viết: “Tết và Nauryz có gì khác nhau?” để chia sẻ những cảm nhận sâu sắc của cá nhân ông về dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Việt Nam, về những điểm tương đồng thú vị giữa “Tết Việt” và “Tết”  Nauryz của đất nước Kazakhstan quê hương ông.

Khi được yêu cầu mô tả ấn tượng của tôi về ngày Tết ở Việt Nam, tôi rất phấn khởi. Trước hết, vì tìm hiểu nền văn hóa và truyền thống khác, theo tôi, là một trong những hoạt động thú vị nhất. Điều thú vị hơn là không chỉ tìm thấy những đặc điểm và sự khác biệt, mà còn cả những điểm tương đồng giữa các truyền thống dân tộc khác nhau. Hóa ra, có nhiều điểm tương đồng giữa Tết Việt Nam và Nauryz của người Kazakh (hay Navruz, được tổ chức ở các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư).

Tết được tính theo âm lịch và Nauryz theo dương lịch, vì vậy chúng được tổ chức vào những thời điểm khác nhau: Ở Việt Nam vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, còn ở Kazakhstan vào ngày xuân phân, ngày 21-22 tháng 3. Nhưng bản chất của những ngày lễ vẫn là một - đó là đón năm mới, điều được phản ánh ngay trong các tên gọi. Tết Nguyên đán được dịch là “buổi sáng của ngày mới” và từ Nauryz, đến với chúng tôi từ ngôn ngữ Ba Tư, có nghĩa là “ngày mới”.

Tết là ngày lễ chính ở Việt Nam, được người dân tổ chức linh thiêng và ăn mừng trong một tuần. Điều này cũng như Azerbaijan dành một tuần cho Navruz. Tại Kazakhstan, người dân được nghỉ 3 ngày để đón Nauryz. Tuy nhiên, như một quy luật, ở cả 2 đất nước chúng ta, việc đón năm mới đều được chuẩn bị kỹ từ trước. Điều này phản ánh tính chất thiêng liêng của ngày lễ, được tổ tiên của chúng ta từ xa xưa cảm nhận.

Vì vậy, ở Việt Nam có phong tục trước Tết thanh toán hết nợ nần, hòa giải và xin lỗi, vứt bỏ đồ cũ, dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Đây là những phong tục tương tự ở Kazakhstan. Theo phong tục này, mọi người sắp xếp công việc, dọn dẹp không gian xung quanh và buông bỏ mọi ưu phiền. Thật dễ chịu, ví dụ, làm sạch, khơi thông những nguồn nước.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov (thứ hai từ trái sang) trong chuyến thăm Báo Lao Động. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tôi cảm thấy thú vị khi biết người Việt Nam tin rằng trước Tết vài ngày, Táo quân - thần hộ mệnh của mỗi gia đình sẽ bay về trời và báo cáo với Ngọc Hoàng về cuộc sống của gia đình trong năm và đề xuất thưởng (hoặc phạt). Tôi nghe nói Táo quân thường sống trong bếp hoặc phòng ăn - nơi có lập một bàn thờ nhỏ.

Người Kazakhstan bây giờ không tin như vậy, nhưng chắc chắn là, trong thời kỳ tiền Hồi giáo - vào thời đạo Shaman, khi các pháp sư là người trung gian giữa thế giới con người và thế giới linh hồn - những ý tưởng như vậy đã tồn tại. Nhưng Hồi giáo cũng không thể buộc người Kazakh từ bỏ thờ cúng linh hồn tổ tiên. Người Kazakhstan gọi là “aruakh” và luôn cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn. 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là thứ gắn kết truyền thống dân tộc người Kazakhstan và người Việt Nam. Tất nhiên, hình thức thờ phụng của người Kazakhstan và người Việt Nam khác nhau. Người Việt lập bàn thờ tổ tiên lớn, thường ở tầng trên cùng của ngôi nhà. Trên bàn thờ đặt bát hương, trái cây và các loại thức ăn khác, thậm chí cả nước uống. Linh hồn tổ tiên không cần bất cứ điều gì. Người Kazakh không lập bàn thờ “aruakh”, mà chỉ tưởng nhớ tổ tiên trong những lời cầu nguyện.

Vào những ngày trước Tết và Nauryz, cả người Việt Nam và người Kazakhstan đều không bắt tay vào công việc mới, kể cả những dự án nhỏ, không đi chơi xa, mọi công việc đều hoãn lại. Đây là nét chung của cả hai dân tộc. Nhưng người Kazakhstan còn có một niềm tin đáng chú ý. Người Kazakhstan cho rằng, trong vòng 5 ngày trước Nauryz, trong vũ trụ diễn ra trận chiến giữa các thế lực thiện và ác. Mọi thứ trong tự nhiên đều đóng băng, chờ kết quả của trận chiến này. Người Kazakhstan gọi những ngày này là “ol ara”, có thể dịch là “mùa chết”. Và bất kỳ đề xướng nào trong giai đoạn này đều sẽ không thành công. Truyền thuyết kể rằng, có 5 thương nhân đã bỏ qua lời khuyên và cùng đoàn lữ hành của họ lên đường trong những ngày trước Nauryz. Và thế là họ biến mất. Vì thế, những ngày này còn được gọi là “bes konak”, có nghĩa là “5 vị khách”. 

Người Kazakhstan dành những ngày này để thăm hỏi họ hàng, để tìm hiểu liệu họ có thể vượt qua mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, liệu có thể cứu được đàn gia súc hay không. Phong tục này được gọi là “korisu”, hay “gặp nhau”.

Khi tất cả mọi người trên Trái đất tin tưởng và hy vọng, các thế lực thiện đánh bại các thế lực đen tối. Thời khắc bắt đầu Nauryz, trên bầu trời xuất hiện luồng ánh sáng chói lọi - “nur”, tượng trưng cho chiến thắng này. Người Kazakh mở bung giường chiếu, mở tung rương hòm để đón nhận được thật nhiều ánh sáng này với hy vọng may mắn và thịnh vượng. Và ngày lễ đổi mới bắt đầu, Ngày trọng đại của đất nước, như cách gọi của người Kazakh là Nauryz.

Người Việt Nam cũng rất coi trọng việc đón Tết, điều này có thể thấy trong việc trang hoàng nhà cửa ngày lễ. Ngày Tết, trong mỗi ngôi nhà người Việt, chúng tôi thấy những cây cảnh nhỏ - quất, đào, mai hoặc những loại cây khác được trồng trong bồn nhỏ có treo những chiếc đèn đỏ. Và ở khắp nơi là các loại hoa. Trước Tết, chúng được bày bán khắp nơi, kể cả dưới lòng đường. Và mọi người - giống như những bông hoa rực rỡ - đều mặc trang phục có màu đỏ.

Không khí ngày lễ chung không thể thiếu bàn tiệc. Tôi được biết người Việt Nam nấu rất nhiều món ăn ngon vào ngày Tết, phụ thuộc vào số lượng thực khách. Một số món ăn chỉ được chuẩn bị cho ngày Tết, như bánh chưng. Món ăn này thường được cả gia đình chuẩn bị, đây là một truyền thống tuyệt đẹp.

Còn người Kazakhstan chuẩn bị một món hầm đặc biệt cho Nauryz, được gọi là “nauryz-kozhe”. “Nauryz-kozhe” phải bao gồm 7 thành phần từ nguồn gốc thiên nhiên - nước, muối, ngũ cốc, thịt, các sản phẩm từ sữa, rau xanh, mì sợi. Tôi đã làm một quan sát thú vị: Mặc dù mỗi bà nội trợ đều có công thức nấu nauryz-kozhe của riêng mình nhưng món hầm này luôn ngon tuyệt vời.

Nhưng điều đó không bất ngờ bởi cần có may mắn trong ngày đầu tiên của mùa xuân. Tôi xin chúc tất cả các bạn Việt Nam của tôi và toàn thể nhân dân Việt Nam một năm mới thành công, bình an và thịnh vượng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn