MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP.

Thái Lan tìm căn nguyên vuột mất cơ hội tổ chức thượng đỉnh Mỹ Triều 2

Hải Anh LDO | 15/02/2019 11:29
Kavi Chongkittavorn - nhà báo kỳ cựu về quan hệ khu vực của tờ Bangkok Post, Thái Lan đã có bài viết nhận định nguyên do Bangkok vuột mất cơ hội đăng cai thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bangkok, Hà Nội và Hawaii là 3 trong số những địa điểm được đề cập là có khả năng diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về nơi tổ chức cuộc gặp lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được Tổng thống Donald Trump đưa ra khi đọc thông điệp liên bang là Hà Nội vào ngày 27-28.2.

Theo cây viết Kavi Chongkittavorn, ban đầu Thái Lan có một cơ hội tốt. Với tư cách là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Thái Lan là nơi tốt nhất để tổ chức thượng đỉnh, giống như Singapore chủ nhà thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 cũng đăng cai khi đang là chủ tịch ASEAN.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực địa cả về cơ sở vật chất và môi trường chính trị xã hội ở hai thủ đô, Hà Nội được yêu thích hơn. Thêm vào đó, Hawaii đã bị loại do khoảng cách, thời điểm không phù hợp cho một sự kiện vào thời điểm quan hệ Mỹ - Triều vẫn chưa thực sự bình thường hóa.

Theo cây viết của Bangkok Post, thoạt tiên, Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.

Trước tiên, hai nước đều là những thành viên tích cực trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ là chủ nhà luân phiên tiếp theo của ASEAN năm 2020, sau Thái Lan. Quan trọng hơn, Việt Nam đang ra ứng cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2021. Thái Lan cũng đang vận động để trở thành thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2022.

Thứ hai, cả Việt Nam và Thái Lan đều có quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan về bán đảo Triều Tiên - Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng có đại sứ quán tại Hà Nội và Bangkok.

Yếu tố thứ ba được cây viết Kavi Chongkittavorn đưa ra là hai quốc gia Đông Nam Á có cùng múi giờ, khoảng cách bay từ Bình Nhưỡng đến 2 nước đều khoảng 3 giờ, Hà Nội có gần hơn đôi chút.

Yếu tố thứ 4 là cả Bangkok và Hà Nội đều là địa điểm đẹp và có cơ sở vật chất tốt cũng như có kinh nghiệm ngoại giao trong việc tổ chức mọi loại hình họp cấp cao.

Tuy nhiên, nhà báo của tờ Bangkok Post chỉ ra 3 yếu  tố quyết định giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan để giành quyền tổ chức sự kiện lịch sử vào cuối tháng 2 này: Sự bất ổn trong diễn biến chính trị của Thái Lan, ô nhiễm không khí ở Bangkok và mô hình kinh tế thành công của Việt Nam.

Theo đó, dù chính phủ Thái Lan tuyên bố bầu cử ngày 24.3 góp phần xoa dịu mối đe dọa về các cuộc biểu tình trên đường phố nhưng vẫn còn lo ngại cuộc bầu cử sẽ bị hoãn lại.

Thêm vào đó, so với Bangkok, Hà Nội ít gặp vấn đề về an ninh liên quan đến những đám đông tập trung bất ngờ. Theo Bangkok Post, không có nguy cơ về những cuộc biểu tình trên đường phố trong thời gian thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Việt Nam. Bất kỳ yếu tố mang tính thù địch nào hướng tới Triều Tiên cũng sẽ không xuất hiện tại đây.

Thêm vào đó, mức độ nguy hiểm của loại bụi mịn PM2.5 ở Bangkok trong những tuần gần đây khiến hình ảnh của thành phố cũng bị ảnh hưởng dù lượng khách du lịch đổ về đây vẫn giữ mức ổn định. Cây viết người Thái Lan cho rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không quen với điều kiện không khí như vậy và tất nhiên không ai muốn thấy họ phải đeo khẩu trang nếu thượng đỉnh tổ chức tại đây.

Lý giải cho các yếu tố giúp Việt Nam giành quyền đăng cai thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, nhà báo kỳ cựu về quan hệ khu vực nói thêm, như ông Donald Trump từng tuyên bố, Triều Tiên đang trở thành một tên lửa kinh tế và mô hình phù hợp nhất để Bình Nhưỡng học hỏi trong sự phát triển trong tương lai chắc chắn là Việt Nam.

Trong bốn thập kỷ qua kể từ công cuộc "Đổi mới", cải cách kinh tế, Việt Nam đã từ một quốc gia trải qua chiến tranh trở thành một đối tác thương mại hàng đầu Đông Nam Á.

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, sự chuyển đổi của Việt Nam còn nhanh chóng và bất ngờ hơn. Hiện Việt Nam là một trong những cường quốc kinh tế của khu vực. Chắc chắn ông Donald Trump muốn cho thấy sự hiện đại hóa và tiến bộ của Việt Nam để Triều Tiên học tập, theo cây viết này.

Thêm vào đó, Việt Nam là thành viên của CPTPP, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao. Tờ Bangkok Post cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nhìn nhận quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Mỹ đã mang lại những kết quả tốt đẹp.

Trong khi đó, quan hệ Thái Lan-Triều Tiên dù tốt đẹp nhưng cũng có một trở ngại. Quân đội Thái Lan từng tham gia lực lượng 16 quốc gia ở phía bên kia chiến tuyến với Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong nhiều năm sau chiến tranh, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Bangkok rút lá cờ thu nhỏ của Thái Lan hỏi Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, Thái Lan tuyên bố sẽ làm như vậy khi một hiệp định hòa bình được thay cho thỏa thuận đình chiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn