MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ không cho phép kênh đào trở thành "nghĩa trang" của những người di cư. Ảnh: AFP

Thảm kịch đắm thuyền ở eo biển Anh - Pháp: 27 người di cư thiệt mạng

Phương Linh LDO | 25/11/2021 09:32
Ít nhất 27 người di cư thiệt mạng ngày 24.11 khi thuyền của họ, đang trên đường tới Anh, bị chìm ở kênh đào ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Pháp.

AFP đưa tin, đây được coi là thảm kịch khiến nhiều người chết nhất kể từ năm 2018, khi kênh đào qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp trở thành trung tâm cho các cuộc vượt biên bí mật bằng đường biển.

Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ không cho phép kênh đào này trở thành "nghĩa trang". Ông cũng đã trao đổi với Thủ tướng Anh Boris Johnson để thống nhất đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn những kẻ buôn người làm gia tăng các vụ vượt biên.

Ông Macron nói: “Những giá trị sâu sắc nhất của Châu Âu - chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng phẩm giá của mỗi người - đang ở trong tình trạng đáng ngại''.

Các công tố viên đã mở cuộc điều tra tội giết người sau khi chiếc thuyền bơm hơi chở người di cư bị chìm ngoài khơi thành phố cảng Calais phía bắc nước Pháp hôm 24.11. 

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết 4 kẻ tình nghi buôn người bị cáo buộc có liên quan trực tiếp đến vụ vượt biên chết chóc.

Theo thông tin từ ông Darmanin, chỉ có 2 người còn sống sót được tìm thấy và tính mạng của cả hai đều đang gặp nguy hiểm. Trong số những người thiệt mạng có 5 phụ nữ, 1 bé gái và thêm 1 phụ nữ đang mang thai. Quốc tịch của các nạn nhân vẫn chưa được xác định.

Con số báo cáo ban đầu cho biết 31 người di cư đã chết nhưng Bộ Nội vụ sau đó đã điều chỉnh con số này xuống còn 27 người.

Văn phòng Thủ tướng thông tin, Thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ tổ chức một cuộc họp về khủng hoảng vào sớm ngày 25.11.

Căng thẳng Pháp - Anh

Các quan chức Pháp cho biết, ban đầu, một ngư dân phát hiện ra sự việc đã kéo còi báo động. Giới chức nhanh chóng triển khai 3 máy bay trực thăng và 3 chiếc thuyền để tìm kiếm trong khu vực, sau đó phát hiện thi thể cùng người bị bất tỉnh nổi trên mặt nước.

 Các tổ chức hỗ trợ người di cư tổ chức meeting kêu gọi giải quyết vấn đề. Ảnh: AFP

Sau cuộc họp trao đổi với các quan chức cấp cao về vụ việc, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ, ông "bị sốc, bàng hoàng và vô cùng đau buồn trước nạn nhân thiệt hại trên biển". Anh kêu gọi hành động cứng rắn hơn từ phía Pháp để ngăn người di cư thực hiện chuyến đi.

Vấn đề này đã làm gia tăng căng thẳng hậu Brexit giữa Anh và Pháp, trong đó tranh cãi về quyền đánh bắt cá vẫn chưa được giải quyết.

Về phía Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Darmanin nói: “Phản ứng rõ ràng cũng phải đến từ Anh và cũng cần có một phản ứng hợp tác quốc tế cứng rắn”.

Trong các cuộc điện đàm, Thủ tướng Anh Johnson và Tổng thống Pháp Macron nhất trí về "sự cấp bách của việc đẩy mạnh các nỗ lực chung để ngăn chặn những vụ vượt biên chết người này" và rằng điều quan trọng là phải ngăn chặn mọi khả năng để phá vỡ mô hình hoạt động của các băng đảng buôn người, theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh.

Cảnh báo mùa đông

Nhân viên cứu hộ Pháp kể lại, họ đã chứng kiến cảnh tượng đau thương khi một chiếc thuyền bơm hơi xẹp lép, còn sót lại một chút không khí nổi trên mặt biển, bao quanh là một loạt thi thể người chết đuối.

Một quan chức Anh gọi vụ chìm tàu ​​là một thảm kịch đồng thời cảnh báo, mùa đông đang đến gần, biển sẽ trở nên hung dữ hơn, nước lạnh hơn, do đó, có nguy cơ nhiều người bị thiệt mạng hơn.

Theo các nhà chức trách Pháp, 31.500 người đã cố gắng tìm đường đến Anh kể từ đầu năm 2021 và 7.800 người được cứu trên biển, con số tăng gấp đôi kể từ tháng 8. Và khoảng hơn 300 người di cư đã thiệt mạng khi đi qua kênh đào kể từ năm 1999 đến nay, theo một hiệp hội về người di cư địa phương.

Còn theo các nhà chức trách Anh, hơn 25.000 người đã nhập cư bất hợp pháp vào nước này trong năm 2021, tăng gấp 3 lần so với con số được ghi nhận vào năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn