MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ phóng vệ tinh Amazonia của Brazil từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan của Ấn Độ tháng 2.2021. Ảnh: Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ

Tham vọng không gian của Ấn Độ bị COVID-19 cản trở thế nào?

Bảo Châu LDO | 24/05/2021 18:55
Tham vọng không gian của Ấn Độ tạm thời vỡ kế hoạch bởi đại dịch COVID-19 khi sứ mệnh Mặt trăng không người lái thứ 3 bị trì hoãn sang năm sau.

Theo Straits Times, hồi tháng 2, trước khi bùng phát làn sóng COVID-19 lần 2 hiện nay, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) Kailasavadivoo Sivan đã từ chối đưa ra lịch trình cho sứ mệnh có người lái của Ấn Độ lên Mặt trăng dù trước đó đã dự kiến thời hạn vào năm 2022.

Ngay cả các vụ phóng vệ tinh từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan cũng đã giảm tần suất với 1 lần diễn ra cho đến thời điểm này của năm 2021 và 2 lần vào năm ngoái, so với 6 lần năm 2019.

Lần phóng vệ tinh cuối cùng của Ấn Độ diễn ra vào tháng 2, theo website của ISRO, với việc phóng vệ tinh Amazonia của Brazil, cùng 18 vệ tinh khác trong đó có 13 vệ tinh của Mỹ.

Các nhân viên cơ quan vũ trụ Ấn Độ cũng như hầu hết các nhân viên ngành nghề khác đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế COVID-19.

Năm 2020, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và hiện các bang nước này cũng tuyên bố đóng cửa để kiểm soát đợt bùng phát thứ 2 nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Ông Sivan cho hay: "Chỉ những nhân viên phụ trách các bộ phận chức năng quan trọng mới được phép có mặt tại văn phòng. Các trung tâm ISRO đều phải tuân theo các quy định của chính quyền địa phương".

Với các kế hoạch được vạch ra, bao gồm phóng một tàu quỹ đạo sao Kim vào năm 2024 và một trạm vũ trụ vào năm 2030, chương trình không gian của Ấn Độ đã trở thành niềm tự hào quốc gia này, đạt được nhiều thành công với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia khác.

Vào tháng 5.2014, Ấn Độ trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên thực hiện sứ mệnh lên sao Hỏa khi phóng một tàu quỹ đạo trị giá chỉ khoảng 70 triệu USD so với 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Mỹ chi cho Maven 1 năm trước đó.

Với việc thực hiện các vụ phóng vệ tinh chi phí rẻ, ​​Ấn Độ đã phóng 342 vệ tinh cho 34 quốc gia trong hơn 2 thập kỷ.

Tàu quỹ đạo lên sao Hỏa của Ấn Độ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chương trình không gian của nước này, bước tiến từ việc phóng vệ tinh nhằm cải thiện năng lực thông tin liên lạc hoặc dự báo thời tiết cho tới khám phá không gian.

Giữa những thành công gặt hái được, Ấn Độ cũng chứng kiến những thất bại, điển hình là nỗ lực hạ cánh một tàu thám hiểm trên Mặt trăng vào năm 2019. Tàu quỹ đạo đã đến được Mặt trăng nhưng cơ quan vũ trụ nước này đã bị mất liên lạc với tàu thám hiểm.

Năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trong nỗ lực xây dựng năng lực và giúp thúc đẩy chương trình không gian, đã trao cho khu vực tư nhân một vai trò lớn hơn, cho phép họ sử dụng các cơ sở ISRO và hợp tác nhiều hơn. Tuy nhiên, động thái này cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

"NewSpace Ấn Độ (chi nhánh thương mại của ISRO) sẽ làm tốt hơn nếu không có những thách thức từ COVID-19" - Giáo sư Ajey Lele, thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Parrikar Manohar nhận định.

Các công ty tư nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đại dịch, ISRO đã và đang tham gia vào nỗ lực chống cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách chia sẻ ôxy và công nghệ máy tạo ôxy mà cơ quan này phát triển.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một khi làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 2 này lắng xuống, cơ quan vũ trụ Ấn Độ có thể sẽ phải điều chỉnh lại các mốc thời gian của mình một lần nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn