MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thế giới đẩy nhanh nỗ lực mở cửa trở lại

Hải Anh LDO | 22/06/2021 07:00

Thái Lan nới lỏng hạn chế ngừa COVID-19 ở thủ đô Bangkok trong khi Nhật Bản đang đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 cho những người dưới 65 tuổi tại các trường đại học và các công ty lớn...

Nới lỏng hạn chế

Thủ đô Bangkok, Thái Lan nới các hạn chế ngừa COVID-19 từ 21.6. Theo lệnh mới nhất do thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang ký, các nhà hàng không có điều hòa có thể hoạt động trở lại 100% công suất, trong khi các địa điểm có điều hòa được phép phục vụ 50% công suất cho khách ăn uống tại chỗ. Trước đây, các quán ăn và nhà hàng - có điều hòa hoặc không - đều được yêu cầu hoạt động ở mức 25% tổng sức chứa.

Lệnh mới cũng cho phép các quán ăn và nhà hàng ở Bangkok mở cửa đến 23h hằng ngày, tăng thêm so với giới hạn tới 21h trước đó. Lệnh cấm uống rượu tại các nhà hàng vẫn có hiệu lực.

Ngoài nới lỏng các hạn chế đối với việc ăn uống bên ngoài, lệnh mới của Bangkok cũng cho phép các bể bơi, cơ sở thể thao dưới nước khác, các trung tâm giáo dục và công viên khoa học, thư viện công cộng và tư nhân được mở cửa trở lại. Các sự kiện thể thao không khán giả hiện cũng đã được phép hoạt động.

Ngoài Bangkok, thông báo được đăng trên Công báo Hoàng gia cho biết, các biện pháp ngừa COVID-19 cũng được nới lỏng ở các tỉnh vùng đỏ - vùng lây nhiễm nặng, tương tự như Bangkok. Tại đây, các cơ sở giải trí gồm quán karaoke và quán rượu vẫn đóng cửa trong khi các cửa hàng bách hóa hoạt động tới 21h. Lệnh cấm tụ tập trên 50 người và bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn được áp dụng.

Tại Mỹ, ngày 20.6, chuyến du thuyền đầu tiên xuất phát từ PortMiami sau 15 tháng chịu các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19. Tàu Freedom of the Seas có công suất 4.5000 khách của Royal Caribbean Cruises chở khoảng 650 hành khách trong hai đêm đầu tiên, tất cả là nhân viên của Royal Caribbean tình nguyện đi tàu cùng với 1 người đi kèm từ 18 tuổi trở lên.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có phương pháp tiếp cận hai hướng để các tuyến du thuyền có thể hoạt động trở lại: Có thể chạy các chuyến ngắn thử nghiệm hoặc bắt đầu lại các chuyến có doanh thu ngay nếu xác nhận tỉ lệ tiêm chủng của hành khách và thủy thủ đoàn là 95%. Royal Caribbean đang thực hiện cả 2 phương án này, với chuyến có doanh thu đầu tiên dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Trong khi đó, biên giới trên bộ của Mỹ với Canada và Mexico vẫn đóng với hoạt động di chuyển không thiết yếu đến ít nhất ngày 21.7, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông tin ngày 20.6. Từ tuần trước, chính phủ Mỹ đã tổ chức các cuộc họp cấp làm việc với Canada và Mexico về các hạn chế đi lại và có kế hoạch tổ chức các cuộc họp khoảng hai tuần một lần. Theo Bộ An ninh Nội địa, đã có "những tiến triển tích cực trong những tuần gần đây" cũng như cơ quan này đang làm việc tích cực để xác định các điều kiện để nới lỏng hạn chế đi lại "một cách an toàn và bền vững". Mỹ cũng đang tổ chức các cuộc họp nhóm làm việc về nới lỏng các hạn chế đi lại với Anh và Liên minh Châu Âu nhưng các quan chức Mỹ và các hãng hàng không cho rằng, dự kiến chính quyền ông Joe Biden sẽ không dỡ bỏ các hạn chế sớm nhất trước 4.7.

Đẩy mạnh tiêm chủng

Kyodo đưa tin, việc tiêm vaccine COVID-19 của Nhật Bản cho những người dưới 65 tuổi bước vào giai đoạn mạnh nhất từ 21.6 khi các trường đại học cùng các công ty lớn triển khai tiêm chủng tại chỗ. Đại học Tohoku, Đại học Hiroshima, Đại học Keio và Đại học Kindai đã bắt đầu các chương trình tiêm chủng trong khi các công ty như Itochu, Central Japan Railway... cũng triển khai hoạt động này. Vaccine của Moderna được sử dụng để tiêm chủng tại các trường đại học và công ty.

Đại học Khoa học Thể thao Nippon không chỉ bắt đầu tiêm chung cho sinh viên và nhân viên mà còn tiêm cho người dân ở khu vực xung quanh. Tương tự, một số trường đại học có khoa y dược sẽ giúp tiêm chủng cho sinh viên các trường đại học khác.

Trong nỗ lực đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng trước tháng 11 năm nay, chính phủ Nhật Bản đã cho phép các công ty và trường đại học triển khai các chương trình tiêm chủng riêng cho những người dưới 65 tuổi. Tính đến 17h chiều 18.6, chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận đơn từ các công ty và trường đại học về việc tiêm chủng cho khoảng 13,73 triệu người tại 3.479 địa điểm.

Trong khi đó, Australia đẩy nhanh chia sẻ thêm vaccine COVID-19 cho các bang và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Scott Morrison thông tin ngày 21.6 trên đài phát thanh 2GB. Thủ tướng Australia không nêu rõ số lượng liều vaccine mà các bang sẽ nhận được.

Các bang của Australia đã yêu cầu tăng nguồn cung vaccine sau khi Australia thông báo thay đổi chính sách khuyến nghị tiêm AstraZeneca chỉ cho những người trên 60 tuổi vào tuần trước. Khoảng 4% trong tổng số 20 triệu dân số trưởng thành của Australia đã được tiêm chủng đầy đủ trong khi hơn 25% đã tiêm ít nhất liều đầu tiên.

Để đẩy nhanh quá trình triển khai, chính phủ liên bang có kế hoạch phân phối khoảng 2,3 triệu liều vaccine Pfizer vào tháng 6 cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ, và dự kiến ​​sẽ tăng lên 3,4 triệu cho đến tháng 7. Australia phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài với vaccine Pfizer trong khi vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước.

Cũng liên quan tới vaccine COVID-19, Trung Quốc đã vượt mốc tiêm 1 tỉ liều vaccine COVID-19, theo thông báo ngày 20.6 của Ủy ban Y tế Quốc gia nước này. Số liều vaccine mà Trung Quốc tiêm tính đến ngày 19.6 là 1,01 tỉ liều, chiếm hơn 1/3 tổng số liều tiêm trên toàn thế giới. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của đất nước, tương đương khoảng 580 triệu người, vào cuối tháng 6 mà Bắc Kinh đưa ra. Cơ quan y tế Trung Quốc chưa cho biết khi nào nước này dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn