MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khoa học Trung Quốc đang ráo riết phát triển vaccine COVID-19. Ảnh: Getty Images.

Thế giới đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine ngừa COVID-19

THANH HÀ LDO | 17/03/2020 10:27

Khoảng 35 công ty và viện nghiên cứu đang chạy đua để phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19. Và có 4 trong số đó đã có vaccine để thử nghiệm trên động vật. Sản phẩm đầu tiên trong số này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người từ 16.3.

Rút ra bài học từ phát triển vaccine các virus Corona khác

Theo The Guardian, tốc độ phát triển vaccine chưa từng có này một phần lớn là nhờ vào những nỗ lực ban đầu của Trung Quốc trong giải mã trình tự vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2, loại virus gây ra dịch COVID-19. Trung Quốc đã chia sẻ trình tự này vào đầu tháng 1, cho phép các nhóm nghiên cứu khắp thế giới có thể phát triển virus sống và nghiên cứu cách thức virus xâm nhập tế bào cơ thể người.

“Tốc độ mà chúng tôi đã phát triển các loại vaccine thử nghiệm này dựa nhiều vào việc hiểu rõ cách phát triển vaccine cho các loại virus Corona khác” - Richard Hatchett - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) - tổ chức quốc tế có trụ sở ở Oslo, Na Uy - đơn vị dẫn đầu trong nỗ lực tài trợ và điều phối để phát triển vaccine COVID-19, nói.

Virus Corona đã gây ra 2 dịch bệnh gần đây - hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) ở Trung Quốc năm 2002-2004, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), bắt đầu ở Saudi Arabia năm 2012. Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có chung từ 80% đến 90% vật liệu di truyền với virus gây SARS.

Việc phát triển vaccine SARS và MERS sau đó bị gác lại khi dịch bệnh được khống chế. Mới đây, công ty Novavax (Maryland, Mỹ) hiện đã chuyển đổi mục đích sử dụng các loại vaccine này cho SARS-CoV-2. Công ty cho biết, có một số loại vaccine tiềm năng sẵn sàng thử nghiệm trên người trong mùa xuân này. Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Moderna (Boston, Mỹ) phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 dựa trên những công việc trước đó với virus gây dịch MERS được tiến hành ở Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) trực thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH).

Bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người

Tất cả các loại vaccine hoạt động theo nguyên tắc cơ bản như nhau. Vaccine sẽ đưa một phần hoặc toàn bộ mầm bệnh vào hệ thống miễn dịch của cơ thể người, thường ở dạng tiêm và với liều lượng thấp, để thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể với mầm bệnh. Các kháng thể đã được kích hoạt một lần có thể nhanh chóng huy động trở lại nếu con người tiếp xúc với virus ở dạng tự nhiên. Theo cách truyền thống, hệ miễn dịch được hình thành bằng cách sử dụng các dạng virus sống nhưng yếu, một phần hoặc toàn bộ virus đã bị bất hoạt bởi nhiệt độ hoặc hóa chất.

Một số dự án vaccine COVID-19 đang sử dụng phương pháp truyền thống nói trên nhưng một số dự án khác sử dụng những công nghệ mới hơn. Ví dụ, chiến lược mà Novavax đang sử dụng là xây dựng một loại vaccine tái tổ hợp. Phương pháp này liên quan tới trích xuất mã di truyền từ sợi protein trên bề mặt của SARS-CoV-2 và dán nó vào bộ gene của vi khuẩn hoặc nấm men, buộc những vi sinh vật này tạo ra một lượng lớn protein.

Các phương pháp khác, thậm chí mới hơn, bỏ qua protein và chế vaccine từ chính chỉ dẫn di truyền của virus. Đây là phương pháp mà cả Moderna và một công ty khác - CureVac (Đức) áp dụng. Cả hai đều đang phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Thử nghiệm lâm sàng là bước thiết yếu để vaccine được phê duyệt, thường có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là thử nghiệm trên hàng chục tình nguyện viên khỏe mạnh, thử nghiệm sự an toàn của vaccine, theo dõi các tác dụng phụ. Giai đoạn 2 có sự tham gia của hàng trăm người, thường là ở một khu vực nào đó trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để theo dõi hiệu quả của vaccine. Giai đoạn 3 cũng tiến hành tương tự nhưng trên quy mô vài nghìn người.

Tuy nhiên, có mức độ tiêu hao cao khi các vaccine thử nghiệm lâm sàng qua các giai đoạn kể trên bởi các vaccine thử nghiệm có thể không an toàn hoặc không hiệu quả hoặc cả hai. Cần sàng lọc để loại bỏ những vaccine không có tác dụng nên không thể bỏ qua hoặc vội vàng trong thử nghiệm lâm sàng. Dù vậy, phê duyệt vaccine có thể được đẩy nhanh nếu các cơ quan quản lý đã phê duyệt các sản phẩm tương tự trước đó.

Nhưng điều đáng lưu ý là virus SARS-CoV-2 là mầm bệnh mới ở người và nhiều công nghệ đang sử dụng để chế tạo vaccine ngừa virus này cũng chưa từng được thử nghiệm. Ví dụ, cho tới nay, chưa từng có vaccine làm từ vật liệu di truyền - ARN hoặc ADN - từng được phê duyệt.

Annelies Wilder-Smith - Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tại trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, Anh cho biết: “Giống như hầu hết các nhà vaccine học, tôi không nghĩ rằng vaccine này sẽ sẵn sàng trước 18 tháng”. Ông nhấn mạnh, đây là mốc thời gian đã cực kỳ nhanh, với giả định không có bất kỳ trở ngại nào.

AP dẫn lời quan chức Mỹ cho hay, thử nghiệm lâm sàng để đánh giá vaccine ngừa SARS-CoV-2 do Moderna và NIH hợp tác phát triển bắt đầu ngày 16.3 tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente Washington ở Seattle.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn