MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con sứa biển sâu khổng lồ đầy ma mị Stygiomedusa gigantea. Ảnh: MBARI

Thế giới động vật: Con sứa biển sâu khổng lồ ma mị cực hiếm thấy

Thanh Hà LDO | 02/12/2021 11:01

Con sứa biển sâu khổng lồ đầy ma mị đã được ghi hình ở ở độ sâu gần 1.000m tại vịnh Monterey, ngoài khơi California, Mỹ. 

Video thế giới động vật ghi lại hình ảnh loài sứa biển sâu khổng lồ Stygiomedusa gigantea của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI). Hình ảnh sinh vật biển hiếm thấy này được ghi lại thông qua một phương tiện điều khiển từ xa (ROV). Đây là 1 trong 9 lần sứa biển sâu Stygiomedusa gigantea được MBARI quan sát thấy.

Trong video ma mị dài 53 giây, con sứa biển sâu khổng lồ chậm rãi di chuyển ở vịnh, với những xúc tu khổng lồ trải rộng. 

"Phần cơ thể hình chuông của cư dân biển sâu này có chiều ngang hơn 1m và các dải xúc tu có thể dài hơn 10m" - MBAIR thông tin về sinh vật hiếm thấy vừa được ghi hình.

This browser does not support the video element.

Sứa biển sâu Stygiomedusa gigantea. Nguồn: MBARI

Theo MBAIR, loài sứa khổng lồ này được tìm kiếm và phát hiện từ năm 1899. Kể từ đó, các nhà khoa học trên thế giới chỉ bắt gặp sinh vật biển này khoảng 100 lần. 

"Quái vật biển sâu" Stygiomedusa gigantea dường như phân bổ khắp thế giới khi đã được phát hiện ở nhiều lưu vực đại dương trên toàn cầu, ngoại trừ Bắc Cực. Tiếp cận loài động vật biển to lớn này có nhiều thách thức vì môi trường sống của Stygiomedusa gigantea ở độ sâu lớn và có mức độ phân bố rộng. 

Sứa biển sâu khổng lồ được cho là một trong những động vật ăn thịt không xương sống lớn nhất ở đại dương sâu, BBC đưa tin về việc phát hiện một cá thể Stygiomedusa gigantea ngoài khơi bờ biển Mexico năm 2010.

Nhiều hình ảnh về loài sứa biển sâu hiếm thấy Stygiomedusa gigantea đã được ghi nhận vào năm 2015 ở vịnh Mexico. 

Trước khi ROV được sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học trên thế giới dựa vào lưới kéo để tìm và nghiên cứu các loài động vật biển sâu. “Những tấm lưới này có thể hiệu quả trong nghiên cứu các loài động vật cứng cáp như cá, động vật giáp xác và mực, nhưng sứa sẽ chuyển sang dạng sền sệt trong lưới kéo” - MBARI lưu ý. 

Các camera trên ROV của MBARI cho phép các nhà nghiên cứu của MBARI nghiên cứu những loài động vật này ở trạng thái nguyên vẹn trong môi trường tự nhiên. Video độ nét cao về loài sứa biển sâu khổng lồ ma mị đã ghi lại được những chi tiết tuyệt đẹp về ngoại hình và hành vi của sinh vật - điều mà các nhà khoa học không thể quan sát nếu bắt sinh vật này bằng lưới kéo. 

Loài sứa phát sáng sống gần rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất năm 2016. Ảnh: NOAA

Sứa là một trong những sinh vật có khả năng sống sót ở độ sâu đáng kinh ngạc trong lòng đại dương. Năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện một loài sứa phát sáng sống gần rãnh Mariana hay còn gọi là vực Mariana, vũng Mariana - rãnh đại dương sâu nhất trên Trái đất. Con sứa này được đặt tên không chính thức là Enigma Seamount, được phát hiện ở độ sâu 3.700m. 

Loài sứa lớn nhất trên Trái đất là sứa bờm sư tử Cyanea capillata. Loài sứa bờm sư tử có nọc độc này có những xúc tu có khả năng vươn dài tới gần 37m.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn