MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rắn hổ lục đầu vàng. Ảnh: AFP

Thế giới động vật: Rắn săn mồi tung hoành khi khủng long tuyệt chủng

Hải Anh LDO | 15/10/2021 14:24
Trong thiên nhiên hoang dã, loài rắn bắt đầu có chế độ ăn đa dạng hơn, ăn thịt chim và động vật có vú, sau sự kiện tuyệt chủng xóa sổ loài khủng long. 

Khủng long tuyệt chủng góp phần quan trọng vào sự tồn tại của 4.000 loài rắn trên Trái đất mà chúng ta biết đến ngày nay, theo News Scientist.

Ba phần tư tất cả các loài trên Trái đất, bao gồm tất cả các loài khủng long, bị giết trong sự kiện tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm.

Sự kiện xóa xổ loài khủng long khỏi hành tinh này do tiểu hành tinh đâm vào Trái đất cũng có những thay đổi lớn với môi trường sống hoang dã của những loài sống sót, trong đó có ít cạnh tranh hơn về thức ăn và không gian sống. 

Tác giả nghiên cứu mới là Michael Grundler - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học California tại Los Angeles, Mỹ. Gần đây, ông phân tích sự tiến hóa trong giai đoạn này của loài rắn, cùng với Giáo sư Daniel Rabosky của Đại học Michigan.

Nghiên cứu được công bố ngày 14.10 trên tạp chí PLOS Biology, cung cấp manh mối về lý do rắn lại bùng nổ về số lượng. Sự bùng nổ này không chỉ liên quan tới không gian sống mà khủng long bỏ trống mà còn liên quan tới chế độ ăn ngày càng mở rộng của rắn. 

Rắn hiện đại có rất nhiều chế độ ăn khác nhau, từ những con rắn nhỏ chỉ ăn động vật không xương sống như kiến ​​và giun đất đến những con rắn khổng lồ ăn động vật có vú lớn như linh dương.

Để tìm hiểu cách loài bò sát không chân không thể nhai lại trở thành những kẻ săn mồi quan trọng trong thế giới động vật hoang dã, hai nhà khoa học Grundler và Rabosky đã tập hợp bộ dữ liệu về khẩu phần ăn của 882 loài rắn ngày nay.

Bộ dữ liệu bao gồm hơn 34.000 quan sát trực tiếp về chế độ ăn của rắn, từ các quan sát trên thực địa của các nhà khoa học được công bố, từ phân tích chất chứa trong dạ dày của các mẫu vật được bảo quản trong bảo tàng. 

Hai tác giả lưu ý, tất cả rắn sống ngày nay đều là hậu duệ của những loài khác từng sống thời cổ đại. Hóa thạch rắn rất hiếm nên việc quan sát trực tiếp tổ tiên của rắn hiện đại cũng như sự tiến hóa của chúng hầu như rất khó thực hiện. Tuy nhiên, mối liên hệ đó được lưu giữ trong ADN của những con rắn sống. Các nhà sinh học có thể trích xuất thông tin di truyền để xây dựng cây phả hệ mà các nhà khoa học gọi là phát sinh chủng loại học. 

Hai nhà khoa học Grundler và Rabosky đã hợp nhất bộ dữ liệu chế độ ăn của rắn với dữ liệu phát sinh chủng loại học của loài rắn đã công bố trước đây trong một mô hình toán học mới từ đó tìm ra những loài rắn đã tuyệt chủng từ lâu có những đặc trưng gì. 

Ngoài việc cho thấy sự đa dạng hóa chế độ ăn của rắn sau khi khủng long tuyệt chủng, nghiên cứu mới tiết lộ sự thay đổi chế độ ăn bùng nổ tương tự khi các nhóm rắn di cư đến các địa điểm mới. Ví dụ, một số nhóm rắn có tốc độ thay đổi chế độ ăn nhanh nhất xảy ra khi siêu họ rắn Colubroidea đến Tân Thế giới.

Rắn trong siêu họ Colubroidea chiếm phần lớn sự đa dạng về loài rắn hiện nay trong thế giới động vật trên Trái đất, với đại diện được tìm thấy ở mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Chúng bao gồm tất cả các loài rắn độc và hầu hết các loài rắn quen thuộc khác. Tuy nhiên, nhóm này không bao gồm trăn siết mồi, các loài họ trăn và một số loài rắn ít người biết đến như rắn giun thường...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn