MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loài bướm xanh Xerces là loài côn trùng đầu tiên ở Mỹ tuyệt chủng do bàn tay con người. Ảnh: The Field Museum

Thế giới động vật: Sinh vật đầu tiên ở Mỹ tuyệt chủng do con người

Bảo Châu LDO | 21/07/2021 18:05
Loài côn trùng đầu tiên ở Mỹ tuyệt chủng do bàn tay con người là bướm xanh Xerces.

Theo CNN, những con bướm xanh Xerces cuối cùng bay lượn trên không trung ở San Francisco, Mỹ, là vào đầu những năm 1940. Hiện giờ, chúng chỉ có thể được nhìn thấy trong các hộp trưng bày bằng kính tại các viện bảo tàng.

Những con côn trùng có đôi ánh màu ngọc trai này từng sống ở các cồn cát ven biển dọc San Francisco và được các nhà khoa học xác định đặc điểm sinh học lần đầu tiên vào năm 1852.

Khi sự quá trình đô thị hoá tràn đến bang California, đất cát đã bị xáo trộn. Điều này gây ra hiệu ứng gợn sóng, xóa sổ các loài thực vật mà sâu bướm Xerces dựa vào để sinh tồn. Sự thay đổi môi trường sống quá lớn đối với loài bướm xanh Xerces đã khiến nó tuyệt chủng.

Corrie Moreau - phụ trách sưu tập côn trùng thuộc Đại học Cornell - cùng với Martha N. và John C. Moser - giáo sư về hệ sinh học động vật chân đốt và đa dạng sinh học, cũng là tác giả một nghiên cứu mới về loài bướm Xerces - cho biết: “Bướm xanh Xerces là loài côn trùng đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận là có nguy cơ tuyệt chủng do các hoạt động của con người''.

Họ cũng nói rằng, bướm xanh Xerces đã trở thành biểu tượng cho việc bảo tồn côn trùng. Trên thực tế, tổ chức bảo tồn côn trùng lớn nhất thậm chí còn được đặt tên theo loài này.

Bướm xanh Xerces hiện chỉ được nhìn thấy trong các hộp trưng bày mặt kính ở bảo tàng. Ảnh: The Field Museum

Corrie Moreau cùng các đồng nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu để xác nhận chắc chắn về sự tuyệt chủng của bướm Xerces. Kết quả nghiên cứu đã được công bố hôm 20.7 trên tạp chí Biology Letters.

Bằng cách trích xuất mẫu ADN của loài bướm xanh đặc biệt này từ bộ sưu tập 93 tuổi lưu giữ tại Bảo tàng Field của thành phố Chicago, các nhà khoa học đã giải trình tự gene và xác định Xerces là một loài riêng biệt, độc nhất vô nhị. Để hồi sinh được loài côn trùng này sẽ là chặng đường dài phía trước.

Tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là quản lý trung tâm Tin Sinh học Grainger - Felix Grewe - nhấn mạnh: “Trước khi khởi động nỗ lực để hồi sinh, chúng ta hãy đặt nỗ lực đó vào việc bảo vệ những gì còn lại và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ''.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cái mà nhiều nhà khoa học gọi là ngày tận thế của côn trùng với nhiều loài đang bị suy giảm trên khắp thế giới.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi khí hậu có thể là những yếu tố chính gây ra sự suy giảm côn trùng toàn cầu và tất cả điều này là do các hoạt động của con người.

Các nhà nghiên cứu cho hay, côn trùng rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, nhiều hơn hầu hết chúng ta có thể nhận ra. Và vì côn trùng rất quan trọng đối với bất kỳ hệ sinh thái nào, nên việc mất đi bất kỳ loài côn trùng nào cũng có tác động lan tỏa rộng khắp. Do đó, chúng ta cần có hành động để bảo vệ những loài còn lại đang có nguy cơ biến mất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn