MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng với các nhà lãnh đạo thế giới tham dự phiên bế mạc Hội nghị cấp cao G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 10.9.2023. Ảnh: AFP

Thêm đông để thêm mạnh

Ngạc Ngư LDO | 18/09/2023 07:20

Tại cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm BRICS và nhóm G20 đều quyết định kết nạp thêm thành viên mới.

Nhóm G20 thu nạp Liên minh châu Phi (AU). Nhóm BRICS vốn chỉ có 5 thành viên mà chào đón luôn trong một lần mở rộng 6 thành viên mới là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UEA).

Trong nhóm G7 cũng đã bắt đầu có tiếng nói về sự cần thiết kết nạp thêm thành viên mới. Trước đấy, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đã mở cửa tổ chức đón chào một số thành viên mới. Rồi NATO đã lại mở rộng và EU vẫn quả quyết rằng không đóng cửa tổ chức cho dù không biết đến khi nào mới lại thu nạp thêm thành viên. Việc kết nạp thêm thành viên mới xem ra đã bắt đầu trở thành xu thế trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế.

Có thể thấy được qua đó sự thay đổi rất sâu sắc trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Thuở ban đầu, tất cả những tổ chức, hội nhóm hay khuôn khổ diễn đàn được thành lập để xác lập độc quyền của các nước sáng lập ra chúng. Các đối tác này tự co cụm lại và gây dựng cuộc chơi riêng, thể hiện sự khác biệt với những quốc gia bên ngoài. Khoác cái vỏ là thành viên của tổ chức, hội nhóm hay khuôn khổ diễn đàn, các bên tham gia như thể có được ngay diện mạo và uy danh mới.

Nhưng rồi theo thời gian, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế thay đổi cơ bản. Bản thân các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn cạnh tranh nhau quyết liệt về vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới. Ai cũng muốn trở thành hạt nhân chính của tập hợp lực lượng trên thế giới. Thu nạp thêm thành viên là bằng chứng về sự gia tăng vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới của các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn.

Mặt khác, các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn ý thức được rằng, một mình họ không đủ khả năng giải quyết được ổn thoả mọi vấn đề của thế giới hiện đại. Cho nên vì chính sự sống còn của họ mà các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn cần phải định hướng lại chiến lược và chính sách, thay đổi nội dung và phương cách hoạt động cũng như thu nạp thêm thành viên mới.

Cách tiếp cận trước hết ở đây là thêm đông sẽ giúp cho thêm mạnh. AU có 55 thành viên là các quốc gia châu Phi. Thêm AU, nhóm G20 bao gồm cả nửa thế giới. Có thêm Ai Cập và Ethiopia, nhóm BRICS có được thêm đáng kể sự hiện diện của châu Phi trong nhóm. Đặc biệt với Saudi Arabia, UAE và Iran, nhóm BRICS có thêm những thành viên đều là các nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt lớn trên thế giới. Tiềm lực kinh tế trên phương diện này và ảnh hưởng chính trị trên phương diện kia cộng hưởng lại thành sức mạnh mới, thế và lực mới cho tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn.

Thêm đông sẽ thêm mạnh và lượng sẽ chuyển thành chất - về lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế không dễ được như vậy. Trong số các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn hiện có trên thế giới thì chỉ có nhóm G7 dễ đồng thuận và thống nhất nội bộ hơn cả bởi tương đồng về ý thức hệ, về tổ chức xã hội và cơ cấu kinh tế. Các tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn khác đều hỗn tạp về thành viên, đa dạng về hệ thống chính trị.

Điểm yếu của thêm đông thành viên là việc gây dựng sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động trong nội bộ sẽ thêm khó khăn, nhiều khi có thể cản trở hoạt động chung. Hơn nữa, các thành viên mới bị chi phối bởi các mối quan hệ riêng của họ, phải lưu ý đến lợi ích của họ trong quan hệ với các đối tác bên ngoài nên không hẳn luôn hết lòng với tổ chức, hội nhóm và khuôn khổ diễn đàn mới được tham gia. Cái gì cũng có hai mặt của nó là thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn