MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thêm một năm sống chung với COVID-19

Hải Anh LDO | 04/01/2022 13:30

Có 2 điểm “về đích” với đại dịch COVID-19: Chuyển đổi sang trạng thái bình thường và miễn dịch cộng đồng, theo McKinsey. Tuy nhiên, COVID-19 đặc hữu có thể là điểm kết thúc thực tế hơn khả năng miễn dịch cộng đồng. Và quá trình chuyển đổi này là dần bình thường hóa các khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế, với một số biện pháp y tế công cộng vẫn còn hiệu lực khi mọi người dần dần nối lại các hoạt động trước đại dịch.  

Tiêm 12 tỉ liều vaccine COVID-19 

Tuần trước, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm 2022. Tuy nhiên, việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng sẽ phụ thuộc một phần vào việc thế giới có thể tuân thủ “Nghị quyết của Năm mới” toàn cầu là tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia trong nửa đầu năm 2022 hay không. “Chấm dứt bất bình đẳng về sức khỏe vẫn là chìa khóa để chấm dứt đại dịch" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. 

Trong số những dự báo lạc quan về đại dịch năm 2022, nghiên cứu của Đại học Texas tại Austin ở Mỹ theo kịch bản Omicron có khả năng lây truyền cao hơn Delta, không có khả năng né vaccine và số liều tiêm nhắc lại cao hơn trong cộng đồng cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 ít hơn 50% so với năm 2021. 

Cũng dự đoán về COVID-19 năm 2022, Vox Media cho rằng, có 75% khả năng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chỉ định một biến thể đáng lo ngại khác trước cuối năm. Lý giải cho dự đoán này, WHO lưu ý, ở các quốc gia giàu có tích trữ vaccine, có một bộ phận dân số do dự trong việc tiêm chủng. Trong khi đó, ở các quốc gia thu nhập thấp, chỉ có khoảng 7,3% người dân được tiêm ít nhất 1 liều. Những bối cảnh đó khiến tiêm chủng toàn cầu không đủ nhanh để ngăn virus có cơ hội đột biến thành chủng mới, nghiêm trọng.

Dù triển khai vaccine toàn cầu không đạt được kết quả cần để ngăn chặn sự xuất hiện của biến thể mới nhưng so với những gì thế giới có thể làm được cách đây vài thập kỷ thì chiến dịch tiêm chủng của thế giới chống dịch COVID-19 thực sự ấn tượng. Khoảng 1 năm kể từ khi các quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 và hơn 8,5 tỉ liều đã được sử dụng. Nếu tốc độ đó tiếp tục diễn ra trong năm 2022, trước tháng 11.2022, trên phạm vi toàn cầu sẽ có 12 tỉ liều vaccine COVID-19 được tiêm, tương đương với tất cả những người trên 20 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi. Tuy nhiên, 12 tỉ liều vaccine này sẽ không được phân bổ đồng đều. Nhiều nước giàu đang khuyến khích tiêm liều nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em trong khi vẫn còn một số nơi trên thế giới có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp. 

Mối quan tâm của công chúng trong nghiên cứu y học gần đây bị các phương pháp điều trị và vaccine COVID-19 chi phối. Khoảng giữa năm 2022, miễn dịch và điều trị có thể đủ rộng rãi để giảm số ca bệnh và giảm nguy cơ mắc các biến thể mới, The Economist nhận định. Vào thời điểm này, virus sẽ trở thành bệnh đặc hữu ở nhiều quốc gia. Ở các nước giàu cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào các phương pháp điều trị bằng kháng thể cho những người mắc COVID-19. Mỹ, Anh và các quốc gia khác sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các loại cocktail như của Regeneron hoặc AstraZeneca, thuốc kháng virus của Pfizer, Merck.

Chung sống với COVID-19

Các chuyên gia nhận định, COVID-19 sẽ mất vị thế "đại dịch" vào năm 2022, phần lớn là do tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phát triển của thuốc kháng virus ngừa COVID-19 có thể trở nên phổ biến hơn vào năm tới, CNBC đưa tin. Thay vào đó, virus có thể sẽ trở thành “đặc hữu”, cuối cùng sẽ giảm dần về mức độ nghiêm trọng và nhanh chóng trở thành bối cảnh của cuộc sống hằng ngày.

COVID-19 có thể sẽ vẫn nguy hiểm khi đại dịch kết thúc, giống như bệnh cúm cướp đi sinh mạng của 62.000 người ở Mỹ từ tháng 10.2019 đến tháng 4.2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Nhưng nếu không có bất kỳ diễn biến lớn nào thay đổi quỹ đạo của dịch bệnh, cuộc sống "bình thường" sau đại dịch có thể đến sớm. 

Trong năm 2022, COVID-19 có thể trở nên theo mùa hơn. Giống như các loại virus đường hô hấp khác, sẽ có những thời điểm trong năm nhiễm COVID-19 lên đỉnh điểm - rất có thể là những tháng mùa thu và mùa đông lạnh hơn, có nghĩa là mùa COVID-19 và mùa cúm có thể thường xuyên trùng khớp trong tương lai.

Thêm vào đó, theo các chuyên gia, tiêm liều nhắc lại vaccine COVID-19 hằng năm có thể trở thành một thực tế, tương tự như tiêm phòng cúm. Việc tiêm liều nhắc lại thường niên có thể là điều tốt vì khi các biến thể mới của COVID-19 xuất hiện liên tục thì các liều nhắc lại có thể được thiết kế đặc biệt để chống lại bất kỳ biến thể nào đang chiếm ưu thế vào thời điểm đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn