MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trạm của đường ống dẫn khí Balticconnector. Ảnh: Balticconnector

Thêm một vụ nghi rò rỉ đường ống dẫn khí dưới biển Baltic

Khánh Minh LDO | 09/10/2023 16:41

Đường ống dẫn khí đốt dưới biển Baltic tạm dừng hoạt động do nghi bị rò rỉ.

Reuters đưa tin, đường ống dẫn khí đốt Balticconnector từ Phần Lan đến Estonia tạm thời ngừng hoạt động sau khi các công ty khí đốt ở cả hai nước nhận thấy áp suất giảm bất ngờ, nghi do rò rỉ.

Janne Gronlund, giám đốc điều hành cấp cao của công ty năng lượng Phần Lan Gasgrid, nói không muốn suy đoán về nguyên nhân rò rỉ, nhưng khẳng định rằng nguồn cung cấp khí đốt vẫn ổn định. Các biện pháp đã được thực hiện để ngăn khí tiếp tục rò rỉ ra ngoài.

Janne Gronlund cho biết đường ống Balticconnector có khả năng chảy theo một trong hai hướng tùy theo yêu cầu. Đường ống vận chuyển khoảng 30 gigawatt giờ khí đốt mỗi ngày từ Phần Lan đến Estonia vào thời điểm xảy ra sự cố.

Công ty Gasgrid cũng cho biết khí đốt “đã được đảm bảo thông qua trạm LNG nổi Inkoo trong thời điểm hiện tại”.

Công ty Phần Lan cho hay, áp suất giảm bất thường được phát hiện vào khoảng 2h sáng giờ địa phương ngày 8.10 bởi các kỹ sư của Gasgrid và công ty Elering của Estonia.

Đường ống dẫn khí Balticconnector dài 77 km nối Inkoo ở Phần Lan với thị trấn cảng Paldiski của Estonia, băng qua Vịnh Phần Lan. Phần đông Vịnh Phần Lan thuộc quyền quản lý của Nga và một vài trong số những cảng dầu quan trọng nhất của Nga nằm ở đây, gần St. Petersburg. Đường ống bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm 2020.

Công ty Elering chỉ ra, bất kỳ sự thiếu hụt nào trong nguồn cung của họ sẽ được hỗ trợ nhờ khí đốt từ Latvia.

Trong khi đó, công ty Gasgrid cho biết, việc sửa chữa đường ống dẫn khí có thể mất nhiều tháng hoặc hơn nếu xác nhận có vết thủng.

Vào tháng 9 năm ngoái, đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt giữa Nga và Đức ở biển Baltic đã gặp phải vụ nổ dưới nước dẫn đến 4 vết rò rỉ. Sự cố vẫn chưa được giải quyết và được chính quyền coi là hành vi phá hoại.

Hồi tháng 2, nhà báo Mỹ Seymour Hersh dẫn nguồn tin giấu tên từ cộng đồng tình báo nói rằng Mỹ đứng sau vụ nổ với sự phối hợp của Hải quân Na Uy và cuộc tập trận của NATO trong khu vực được sử dụng làm vỏ bọc. Washington đã phủ nhận có bất kỳ vai trò nào trong vụ phá hoại Nord Stream.

Theo dữ liệu của công ty địa chấn Na Uy Norsar và Đại học Helsinki (Phần Lan), không giống như vụ nổ phá hoại Nord Stream được các trạm đo động đất phát hiện, không có dấu hiệu ngay lập tức về hoạt động địa chấn gần đường ống Balticconnect.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn