MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thêm sự cố tàu mắc kẹt hú vía ở kênh đào Suez

Song Minh LDO | 30/05/2021 19:25
Tàu chở container lớn gặp sự cố động cơ ở kênh đào Suez, làm dấy lên hồi tưởng về vụ mắc cạn tàu Ever Given.

May mắn thay, tàu Maersk Emerald mắc kẹt ở kênh đào Suez hôm 28.5 chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó nổi trở lại và giao thông được nối lại ở tuyến đường biển quan trọng ngắn nhất nối Châu Á và Châu Âu này.

Theo trang gCaptain, con tàu được xác định là Maersk Emerald dài 366 mét, đăng ký tại Singapore.

Leth Agencies - công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển ở kênh đào Suez - viết trên Twitter rằng, con tàu mắc kẹt ở km 98, cuối phía bắc kênh đào Suez, sau khi gặp sự cố động cơ. Phải mất vài giờ, tàu mới tái nổi và giao thông qua kênh đào trở lại bình thường.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) xác nhận sự cố, cho biết bốn tàu kéo đã được sử dụng để tái nổi con tàu. SCA lưu ý, con tàu đang quá cảnh ở đầu phía bắc của kênh đào Suez “mới” - nơi có hai làn tàu lưu thông - vì vậy tác động từ sự cố là rất ít.

Maersk cũng xác nhận sự cố trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi xác nhận rằng Maersk Emerald đã được tái nổi và sẽ được thả neo tại hồ Great Bitter ở kênh đào Suez, để tiến hành điều tra nguyên nhân mắc cạn vào ngày 28.5. Maersk Emerald được đóng vào năm 2012, mang cờ Singapore, đã đi về hướng nam lúc bị mắc cạn. Tất cả các thành viên thuỷ thủ đoàn đều an toàn”.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, Osama Rabea, nói rằng vụ việc cho thấy tuyến đường thủy này có đủ năng lực để xử lý các tình huống như vậy, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có hai làn lưu thông. Tuy nhiên, sự cố làm dấy lên những hồi tưởng về vụ mắc kẹt tàu Ever Given khiến giao thông qua kênh đào Suez bị ngừng trệ trong gần một tuần vào tháng 3, gây gián đoạn toàn cầu.

Maersk Emerald có sức chứa hơn 13.000 container TEU (một container dài 6m tương đương 1 TEU), nhỏ hơn Ever Given một chút, nhưng vẫn rất lớn.

Sau sự cố mắc kẹt tàu Ever Given, kênh đào Suez đã bắt đầu công việc nạo vét để mở rộng và đào sâu phần cuối phía nam, nơi hiện chỉ có một làn đường cho tàu bè qua lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn