MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hóa thạch lá cây họ liễu từ kỷ Paleocen của Colombia (58-60 triệu năm). Ảnh: Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian

Thiên thạch hủy diệt khủng long đã khai sinh ra rừng mưa lớn nhất hành tinh

Hải Anh LDO | 02/04/2021 21:00
Phấn hoa và lá hóa thạch tiết lộ, thiên thạch khiến khủng long bạo chúa và tất cả khủng long phi điểu (tất cả loại khủng long khác chim) tuyệt chủng cũng đã định hình lại các cộng đồng thực vật ở Nam Mỹ để tạo ra rừng mưa lớn nhất hành tinh.

Thiên thạch va chạm với trái đất khiến khủng long bạo chúa và tất cả loài khủng long phi điểu tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước. Vụ va chạm này cũng đã xóa sổ toàn bộ hệ sinh thái.

Một nghiên cứu mới cho thấy, vụ va chạm này đã dẫn đến một kết quả tiến hóa đặc biệt sâu sắc khác là sự xuất hiện của rừng mưa Amazon ở Nam Mỹ, một trong những môi trường đa dạng hấp dẫn nhất trên trái đất.

Vụ va chạm thiên thạch ngoài khơi bán đảo Yucatán khoảng 66 triệu năm trước đã làm thay đổi các khu rừng nhiệt đới theo những cách khác biệt được tiết lộ trong nhiều bằng chứng hóa thạch mới.

Carlos Jaramillo, nhà cổ sinh vật học tại Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian ở Panama và đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, cho biết: “Tai nạn lịch sử duy nhất này đã thay đổi quỹ đạo sinh thái và tiến hóa của rừng nhiệt đới mãi mãi. Nếu không có thiên thạch, cuộc sống trong khu rừng nhiệt đới ngày nay sẽ rất khác".

Thiên thạch hủy diệt khủng long làm thay đổi vĩnh viễn tiến hóa của rừng nhiệt đới. Ảnh: Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian

Trong 12 năm, nhà cổ sinh vật học Jaramillo và đồng nghiệp đã thu thập, phân tích hơn 6.000 mẫu lá hóa thạch và 50.000 mẫu phấn hoa hóa thạch ở Colombia. Những mẫu hóa thạch này có niên đại trải dài từ kỷ Phấn trắng muộn và đầu kỷ Paleogen (hay kỷ Cổ Cận).

Các nhà nghiên cứu đã đo lường những thay đổi về mật độ của gân lá, sự đa dạng của các tác hại do côn trùng gây ra và các thuộc tính khác để xác định mức độ đa dạng và cấu trúc của thực vật rừng đã thay đổi như thế nào sau vụ va chạm của thiên thạch.

Trước sự kiện va chạm Chicxulub, các khu rừng là sự kết hợp của các loài thực vật có hoa, dương xỉ và cây lá kim với tán mở cho phép sáng chiếu vào rừng.

Sau sự kiện va chạm nổi tiếng thời tiền sử, cách đây 66 triệu năm Chicxulub, 45% các loài thực vật đã tuyệt chủng (hóa thạch phấn hoa của các loài đã biến mất trong dữ liệu ghi chép). Thêm vào đó, các loài thực vật có hoa với tán cây kín hơn chiếm ưu thế trong khu vực hình thành nên những khu rừng ngày nay.

Lý giải vì sao khu rừng lại phát triển theo hướng mới này thay vì trở lại trạng thái trước vụ va chạm thiên thạch khiến loài khủng long bị hủy hiệt, đặc biệt là khi khí hậu ở hai thời kỳ này đều giống nhau, Jaramillo chỉ ra 3 khả năng.

Trước hết, sự biến mất của loài khủng long, vốn san bằng tầng rừng và kiếm ăn trên tán cây, làm giảm sự cạnh tranh ánh sáng giữa các loài thực vật và cho phép hệ thực vật có hoa phát triển. Khả năng thứ 2 là tro từ vụ va chạm này đã mang theo phốt pho xuống đất, tạo ra môi trường phong phú cho các loài thực vật có hoa cố định nitơ phát triển nhanh chóng.

Theo chuyên gia Jaramillo, nhóm nghiên cứu dự định thu thập các mẫu đất được bảo quản trong đá để đo hàm lượng dinh dưỡng của chúng. Khả năng còn lại là các loài cây lá kim tiến hóa thành cây có tán ở vùng nhiệt đới đã tuyệt chủng, trong khi các loài thực vật có hoa đang đa dạng hóa.

Theo nghiên cứu mới, phải mất 6 triệu đến 7 triệu năm để sự đa dạng của thực vật trong rừng trở lại mức trước vụ thiên thạch va chạm trái đất dẫn tới sự kiện tuyệt chủng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn