MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu hụt nguồn cung len hảo hạng cashmere do căng thẳng Trung - Ấn

Trần Quốc Việt (Theo AP) LDO | 20/06/2020 15:25

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đàn dê truyền thống tạo ra len cashmere hảo hạng và đắt nhất thế giới.

Dân du mục Changpa và dê cashmere. Ảnh chụp năm 2007. Ảnh: AP.

Trong tuần, giao tranh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trên khu vực Thung lũng Galwan - một điểm nóng tranh chấp biên giới Trung-Ấn diễn ra hàng thập kỷ qua. Theo người dân và quan chức địa phương, mâu thuẫn giữa hai nước các tháng qua còn làm thiệt hại sinh kế cộng đồng, khiến hàng chục nghìn dê con Himalaya chết do không đến được đất chăn thả quen thuộc.

Sống tại vùng biên giáp ranh Trung Quốc, người du mục Changpa trên nóc nhà thế giới nhiều thế kỷ qua đã chăn dê, tạo ra thứ len cashmere tốt bậc nhất thế giới có tên Pashmina. Chất liệu cashmere lấy từ tên thung lũng tranh chấp Kashmir, nơi có truyền thống dệt len thủ công nổi tiếng. Khăn choàng từ chất liệu này có thể được bán giá 1.000 USD mỗi mảnh ở nhiều kinh đô thời trang.

Loại len mềm mịn số một thế giới này nay lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc giao tranh giữa hai thế lực hạt nhân.

Người dân cho biết chỗ thường cho dê ăn cỏ và sinh sản hiện bị chốt chặn bởi lực lượng quân sự cả hai bên. Dê con không thể xuống núi, chết cóng trên cao. “Việc không vào được vùng cỏ đang gây ra tỷ lệ tử vong cao với dê mới đẻ. Rất đáng sợ, chuyện này chưa từng xảy ra”, Sonam Tsering, thư ký một hợp tác xã nuôi dê Pashmina cho biết.

Ông Tsering cho biết thêm hàng nghìn dê con chết thuộc đàn có tổng số 300.000 con, nếu khỏe mạnh sẽ cho năng suất 45 tấn len siêu hạng mỗi năm. Chúng hầu hết đang bị mắc kẹt trong thời tiết vô cùng giá rét.

Phía giới chức, những người đứng đầu tại Leh, thủ đô vùng Ladakh Ấn Độ kiểm soát, đến nay từ chối cung cấp thông tin vì nói vẫn đang thu thập dữ liệu.

Len cashmere trải qua quá trình thu hoạch từ lông dê, sàng lọc, giặt rửa và dệt tay rất vất vả, cầu luôn vượt quá cung. Việc dê chết hàng loạt chắc chắn khiến thiếu hụt nguồn cung len, một số người địa phương kinh doanh mặt hàng này lo ngại.

“Sản lượng len sẽ rớt thảm”, Namgyal Durbuk, một người lãnh đạo  ở ngôi làng dự đoán.

Một thợ dệt len tại Kashmir, thuộc kiểm soát Ấn Độ, tháng 6.2020. Ảnh: AP.

Kể từ chiến tranh biên giới 1962, Trung Quốc và Ấn Độ qua nhiều nỗ lực chưa thể phân định vùng biên kéo dài từ Ladakh hướng Bắc xuống bang Đông Bắc Ấn Độ Sikkim. Binh lính đôi bên đối đầu nhau kéo dài hàng nghìn cây số.

Hầu như quanh năm, việc chăn thả dê diễn ra trong sa mạc Ladakh lạnh giá trên đỉnh núi cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển, giúp dê của người Changpa có bộ lông siêu mềm. Dù vậy, thời điểm từ tháng 12 năm này tới tháng 2 năm sau, nhiệt độ xuống -50 độ C khiến vùng này không thể sinh sống được. Khi đó, người dân chăn dê ở nơi thấp và ấm hơn, càng gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Năm nay, người dân nói chính quyền Ấn Độ không cho tới đó nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn