MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Astana, Kazakhstan, ngày 13.10.2022. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga giảm giá khí đốt

Khánh Minh LDO | 09/12/2022 18:11
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga giảm giá khí đốt 25% để giúp Ankara bớt áp lực khủng hoảng.

Bloomberg dẫn lời các quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán với phái đoàn Nga tại Ankara vào ngày 9.12 để tìm kiếm mức chiết khấu hơn 25% cho khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Một thỏa thuận với Nga có thể giảm bớt áp lực lên đồng lira - một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất thế giới trong năm qua - và giúp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tránh tăng giá năng lượng trước cuộc bầu cử vào năm tới. Điều đó có thể giúp tăng uy tín cho ông vào thời điểm Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm giá khí đốt cho các lô hàng năm 2023 và một số lô hàng đã thanh toán trước đó trong năm 2022.

Theo các quan chức, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể đảm bảo giảm giá ở mức mong muốn, thì nước này sẽ tìm cách hoãn thanh toán đến năm 2024.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và nhà nhập khẩu khí đốt nhà nước Botas chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Nga cung cấp gần một nửa trong số 59 tỉ mét khối khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Ảnh: AFP

Nga chỉ cung cấp gần một nửa trong số 59 tỉ mét khối khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Tổng thống Erdogan cho biết, tổng giá trị nhập khẩu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2022 có thể lên tới 100 tỉ USD, gấp đôi năm ngoái.

Mối quan hệ kinh tế và năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đang phát triển ngay cả khi ông Erdogan cân bằng quan điểm thận trọng về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.

Tổng thống Erdogan ủng hộ đề xuất của Tổng thống Putin về một trung tâm khí đốt mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển khí đốt Nga đến Châu Âu thay cho đường ống Nord Stream

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị tập đoàn điện hạt nhân Nga Rosatom xây thêm một nhà máy điện hạt nhân khác. Rosatom đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỉ USD trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Hungary cho biết tập đoàn dầu khí Nga Gazprom sẽ cho phép nước này trì hoãn các khoản thanh toán khí đốt đến hạn trong 6 tháng tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn