MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh chụp màn hình bài viết trên tờ Thời báo Ấn Độ.

Thời báo Ấn Độ: Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng

Khánh Minh LDO | 06/01/2021 08:11

Tờ Thời báo Ấn Độ ngày 4.1 có bài viết giải thích vì sao Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng tương lai của Đông Á.

Vai trò quan trọng trong trật tự hậu COVID-19

Nhà báo Rudroneel Ghosh, tác giả bài viết nhắc lại, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến, đồng thời chứng kiến ký kết 7 văn kiện, 3 thoả thuận hợp tác mới trong các lĩnh vực từ hóa dầu và quốc phòng đến năng lượng tái tạo và hạt nhân. Tác giả nhận định, Ấn Độ và Việt Nam dự kiến ​​sẽ đóng vai trò quan trọng trong trật tự hậu COVID-19, do cả hai nước đều nhìn thấy một động lực mới đang phát triển ở Đông Á, đòi hỏi hai bên phải phối hợp chặt chẽ và tạo ra những kết quả tích cực cho toàn khu vực.

Tác giả nhấn mạnh, cần hiểu rõ tầm quan trọng của thời điểm này đối với hai nước. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang đứng trước một điểm có thể phát triển lên một quỹ đạo cao hơn, nhưng đồng thời, cả hai quốc gia phải đối mặt với một số rủi ro. COVID-19 là một cú sốc lớn đối với thế giới, thử thách nghiêm ngặt hệ thống quản trị của các quốc gia, và Ấn Độ và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Con đường phía trước đòi hỏi những quyết định và cải cách táo bạo cùng với sự ổn định. Trước sự thay đổi trật tự toàn cầu theo nhiều cách, các quốc gia cần phải cải cách, nhưng đồng thời phải quản lý tốt hơn hệ quả của sự thay đổi. Chính khả năng cân bằng giữa cải cách và ổn định này cũng sẽ quyết định khả năng của các quốc gia trong việc tận dụng tình hình quốc tế hậu COVID-19.

Các mục tiêu cụ thể của Việt Nam

Về vấn đề này, tác giả cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng. Việt Nam đã làm rất tốt việc ứng phó COVID-19 với chỉ 1.497 ca mắc và 35 ca tử vong. Việt Nam có thể đạt được điều này là nhờ sự mẫn cán ngay từ sớm của ban lãnh đạo Đảng và nhanh chóng huy động mọi nguồn lực của nhà nước để dập tắt đại dịch từ trong trứng nước. Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã tiến hành một cuộc vận động xã hội để chống dịch như chống giặc. Kết quả là, chính phủ đã kêu gọi được sự đồng lòng của người dân sẵn sàng tuân thủ các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt. Và nhờ những nỗ lực này, Việt Nam đã có thể đỡ được đòn giáng kinh tế của COVID-19 và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay - khoảng 3% GDP. Việt Nam cũng đang chứng kiến ​​thặng dư thương mại kỷ lục.

Thêm vào đó, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã dẫn dắt khối 10 quốc gia tăng cường đoàn kết để khẳng định rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là cơ sở của các quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông. Ngoài ra, trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết, trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Như vậy, ngay cả trong một năm đầy thử thách, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Và chính trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng lần thứ 13 trở nên quan trọng. Đại hội sẽ bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và phân công các chức danh lãnh đạo cao nhất, bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã xác định các cột mốc cụ thể cho tương lai. Đó là, đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo tác giả bài viết, đây là những mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Việt Nam cân bằng giữa cải cách và ổn định. Đó là lý do tại sao Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới có ý nghĩa quan trọng để xác định quỹ đạo tương lai của Việt Nam bằng cách bầu ra cơ cấu và ban lãnh đạo phù hợp.

Thời báo Ấn Độ nhấn mạnh, Việt Nam thành công sẽ tiếp thêm động lực cho cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở coi Đông Á là một khu vực dựa trên luật lệ, mở, hợp tác và thịnh vượng, thúc đẩy tăng trưởng quốc tế. Nói cách khác, nếu Việt Nam đi đúng hướng, thì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở sẽ đi đúng hướng. Quốc gia gần 100 triệu dân này sẽ đóng một phần quan trọng trong thành công của khu vực Đông Á - tác giả bài báo kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn