MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm bước ngoặt định đoạt số phận bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Bloomberg.

Thời điểm bước ngoặt định đoạt số phận bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2

Hải Anh LDO | 09/03/2020 13:17

Virus SARS-CoV-2 ít gây ra ho hơn nếu lưu trú ở trong mũi và cổ họng, điều này xảy ra với phần lớn những người không may nhiễm virus. Mối nguy bắt đầu khi virus xâm nhập tới phổi của người nhiễm virus. Đây được cho là thời điểm bước ngoặt định đoạt số phận bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bloomberg ngày 8.3 dẫn báo cáo từ phái đoàn chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc điều tra hồi tháng trước cho biết, 1 trong số 7 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng khó thở và các biến chứng nặng nề khác, trong khi 6% trở nên nguy kịch. Những bệnh nhân này thường bị suy hô hấp và các hệ thống quan trọng khác trong cơ thể, đôi khi bị sốc nhiễm trùng huyết. 

Bruce Aylward - Trợ lý tổng giám đốc WHO, người dẫn đầu phái đoàn tới Trung Quốc, đã xem xét dữ liệu từ 56.000 ca, cho biết, tiến triển từ nhẹ hoặc trung bình đến nặng có thể xảy ra "rất, rất nhanh". 

Theo ông, hiểu rõ được tiến trình của bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và xác định các cá nhân có nguy cơ cao nhất là điều rất quan trọng để tối ưu hóa việc điều trị đối với căn bệnh lây lan toàn cầu đã cướp đi hơn 3.700 sinh mạng kể từ khi bùng phát ở miền trung Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. 

Khoảng 10-15% bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nhẹ tới trung bình tiến triển nặng và trong số đó, 15-20% rơi vào tình trạng nguy kịch. 

Bệnh nhân có nguy cơ cao nhất là những người từ 60 tuổi trở lên và những người mắc các bệnh sẵn có như cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch. 

"Hình ảnh lâm sàng cho thấy một dạng dịch bệnh không giống với những gì chúng ta có thể thấy ở bệnh cúm" - Jeffery K. Taubenberger - nhà nghiên cứu về sự lây nhiễm ở các bệnh nhân cúm Tây Ban Nha, nói.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với các giọt bắn hô hấp khi người nhiễm virus hắt hơi, ho hoặc hơi thở. Lây nhiễm thường bắt đầu từ trong mũi.

Khi vào bên trong cơ thể, virus SARS-CoV-2 xâm chiếm các tế bào biểu mô vốn bảo vệ đường hô hấp, theo ông Taubenberger - chuyên gia thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Bethesda, Maryland, Mỹ. 

Theo ông, nếu virus bị khống chế từ đường hô hấp trên sẽ dẫn tới những chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu virus xuống tới khí quản để đến các nhánh của hệ hô hấp và mô phổi, nó có thể dẫn tới giai đoạn bệnh nặng hơn. Điều này là do tổn thương dẫn tới viêm phổi do virus gây ra cùng với tổn thương thứ phát do phản ứng miễn dịch của cơ thể với lây nhiễm. 

"Cơ thể bạn ngay lập tức tìm cách sửa chữa những tổn thương ở phổi ngay khi nó xảy ra" - ông Taubenberger nói. Khi đó, đóng vai trò như những tác nhân phản ứng đầu tiên, các tế bào bạch cầu khác nhau sẽ diệt mầm bệnh và giúp chữa lành các mô bị tổn thương. "Thông thường, nếu việc này thuận lợi, bạn có thể loại bỏ nhiễm trùng chỉ sau vài ngày" - ông nói. 

Tuy nhiên, trong một số ca nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn, những nỗ lực của cơ thể để chữa lành cơ thể có thể quá mạnh mẽ, dẫn tới sự tổn thương không chỉ các tế bào bị nhiễm virus mà còn cả các mô khỏe mạnh, ông Taubenberger lý giải.

Tổn thương biểu mô lót khí quản và phế quản có thể dẫn tới việc mất các tế bảo sản xuất dịch nhầy bảo vệ cũng như các lông mao vốn dùng để loại bỏ bài tiết hô hấp và chất bẩn ra khỏi phổi. 

Theo chuyên gia Taubenberger, người bệnh không có khả năng ngăn chặn những thứ khác ở tuyến hô hấp dưới dẫn tới hệ quả là phổi dễ bị nhiễm vi khuẩn thứ cấp xâm lấn. Thủ phạm tiềm tàng gồm các vi trùng thường trú ngụ ở mũi và họng và vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển mạnh trong bệnh viện, đặc biệt là trong môi trường ẩm ướt của máy thở. 

Nhiễm khuẩn thứ cấp là mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có thể diệt các tế bào thân đường hô hấp quan trọng vốn giúp trẻ hóa các mô. Không có chúng, phổi không thể tự chữa lành, ông Taubenberger nói. Việc phổi bị tổn thương có thể dẫn tới không cung cấp đủ oxy cho các cơ quan quan trọng trong cơ thể, làm suy yếu thận, gan, não và tim. 

David Morens - cố vấn khoa học cấp cao cho giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết, khi nhiễm virus nặng, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu bị suy sụp. "Bệnh nhân qua ngưỡng chịu đựng khi mọi thứ xấu đi và đến một thời điểm nào đó bệnh nhân không còn khả năng hồi phục". 

Ngưỡng này có thể xảy ra sớm ở người cao tuổi, cũng như đã được chứng minh trong các thí nghiệm với chuột thí nghiệm già, Stanley Perlman - Giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Iowa, người có kinh nghiệm 38 năm nghiên cứu về các loại virus Corona cho hay. 

Tuy nhiên, những người trẻ tuổi khỏe mạnh cũng đã tử vong vì dịch bệnh này, trong đó có bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi Lý Văn Lượng. Bác sĩ của bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc đã tử vong dù được được điều trị với kháng thể, thuốc kháng virus, kháng sinh, oxy và sử dụng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn