MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm chấm dứt đóng cửa ngừa COVID-19 phụ thuộc vào vaccine. Ảnh: Getty.

Thời điểm chấm dứt đóng cửa ngừa COVID-19 phụ thuộc vào vaccine

Thanh Hà LDO | 09/04/2020 08:55

Nghiên cứu mới của Trung Quốc chỉ ra, các biện pháp đóng cửa không thể chấm dứt cho tới khi vaccine COVID-19 được tìm ra. 

Các quốc gia muốn chấm dứt phong tỏa và cho phép người dân di chuyển, làm việc trở lại sẽ phải theo dõi chặt chẽ lây nhiễm mới và điều chỉnh các biện pháp kiểm soát tại chỗ cho đến khi có vaccine ngừa COVID-19, The Guardian dẫn nghiên cứu mới dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu tại Hong Kong (Trung Quốc) chỉ ra rằng, các biện pháp kiểm soát mạnh mà Trung Quốc áp đặt với nhịp sống hàng ngày đã giúp cho làn sóng COVID-19 đầu tiên kết thúc. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của làn sóng thứ hai là rất thật.

"Trong khi các biện pháp kiểm soát này dường như đã làm giảm số lây nhiễm xuống mức rất thấp, nếu không có miễn dịch cộng đồng với COVID-19, các ca mắc có thể dễ dàng đột biến khi các doanh nghiệp, nhà máy vận hành và trường học dần mở lại cũng như sự gia tăng các tương tác xã hội, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các ca từ bên ngoài vào trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục lây lan toàn cầu" - Giáo sư Joseph T Wu từ Đại học Hong Kong, đồng lãnh đạo của nghiên cứu này cho biết. 

Trung Quốc đã đẩy số lây nhiễm - số người trung bình mà một người mắc COVID-19 sẽ lây nhiễm cho - từ 2 hoặc 3 xuống thấp hơn 1 và khi đó dịch bệnh giảm một cách hiệu quả. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu nhịp sống bình thường được phép nối lại quá nhanh và việc dỡ bỏ kiểm soát quá rộng rãi, số lây nhiễm sẽ tăng trở lại. Các chính phủ cần theo dõi chặt chẽ tình hình thực tại. 

"Mặc dù các chính sách kiểm soát như giữ khoảng cách vật lý và thay đổi hành vi có thể sẽ được duy trì trong một thời gian, nhưng chủ động tạo ra sự cân bằng giữa việc nối lại các hoạt động kinh tế và giữ số lây nhiễm dưới mức 1 có thể là chiến lược tốt nhất cho tới khi vaccine công hiệu được phổ biến rộng rãi" - Giáo sư Wu nhấn mạnh. 

Bài viết được công bố trên tạp chí y khoa Lancet dựa trên mô hình dịch bệnh ở Trung Quốc. Mô hình này cho thấy tỉ lệ tử vong ở Trung Quốc đại lục thấp hơn nhiều, ở mức dưới 1%, so với tỉnh Hồ Bắc nơi dịch bệnh khởi phát, có tỉ lệ tử vong gần 6%. Con số này cũng thay đổi theo mức độ giàu có của mỗi tỉnh, có liên quan tới hệ thống y tế sẵn có.

"Ngay cả tại các siêu đô thị thịnh vượng và có nguồn lực tốt như Bắc Kinh và Thượng Hải, các nguồn lực y tế là hữu hạn và các dịch vụ sẽ phải vật lộn đối phó với nhu cầu tăng đột biến" -  Giáo sư Gabriel M Leung từ Đại học Hong Kong nói. 

Theo ông, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo hệ thống y tế địa phương đáp ứng được đủ nhân lực và các nguồn lực khác để giảm thiểu tử vong liên quan tới COVID-19. 

Phân tích của các nhà nghiên cứu Hong Kong sử dụng dữ liệu của Ủy ban Y tế địa phương về các ca COVID-19 được xác nhận trong khoảng từ giữa tháng 1 đến 29.2 tại 4 thành phố - Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Ôn Châu và 10 tỉnh có số ca mắc bệnh cao nhất ngoài Hồ Bắc.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, các biện pháp kiểm soát chỉ nên nới lỏng dần dần. 

Cân bằng giữa việc cho phép nối lại các hoạt động kinh tế và kiểm soát chặt chẽ đủ để ngăn chặn sự gia tăng các ca lây nhiễm "có thể là chiến lược tối ưu cho đến khi vaccine có công hiệu được phổ biến rộng rãi, dù thực tế là các chính sách kiểm soát, bao gồm cách ly xã hội, thay đổi hành vi và nhận thức cộng đồng sẽ có thể được duy trì trong một thời gian". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn