MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để được xem là thành công, vaccine COVID-19 có thể cần phải có tác dụng tạo ra phản ứng miễn dịch COVID-19 hoàn chỉnh. Ảnh: Reuters.

Thời gian tồn tại miễn dịch COVID-19 liên quan tới mức độ nhiễm bệnh

Hải Anh LDO | 10/09/2020 14:19
Miễn dịch COVID-19 chỉ tồn trại trong thời gian ngắn nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, nghiên cứu mới chỉ ra.

Bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ không có khả năng miễn dịch lâu dài với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Ye Lilin của Viện Miễn dịch học của Đại học Quân y ở Trùng Khánh, Trung Quốc, phát hiện rằng, chỉ những bệnh nhân đang hồi phục sau khi mắc COVID-19 mức độ nặng hoặc trung bình mới có các tế bào miễn dịch ghi nhớ nhắm vào virus SARS-CoV-2.

Khoảng 80% người dương tính với virus có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, theo một vài ước tính. Liệu những người này có bị tái nhiễm COVID-19 không hiện là một trong những quan ngại lớn nhất của cộng đồng nghiên cứu, bởi làn sóng COVID-19 mới lớn hơn, gây chết người nhiều hơn có khả năng xảy ra vào mùa thu tới ở bán cầu bắc, theo SCMP.

Phát hiện mới "sẽ đặt nền tảng cho việc thiết kế vaccine hiệu quả" - Tiến sĩ Ye và các cộng sự nêu trong bài viết đăng hôm 8.9 trên Medrxiv.org.

Khảo sát gần đây cho thấy, hơn 400 loại vaccine COVID-19 đã được phát triển và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên toàn cầu.

Kết quả sơ bộ cho hay, hầu hết các vaccine COVID-19 ứng viên có thể tạo ra các mức độ phản ứng kháng thể khác nhau và một số quốc gia như Nga, Trung Quốc đã phê chuẩn tiêm vaccine cho một số nhóm dân cư có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, liệu khả năng bảo vệ của miễn dịch COVID-19 có thể kéo dài bao lâu hiện vẫn là câu hỏi mở. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân bị mắc COVID-19 khỏi bệnh đã nhanh chóng bị mất các kháng thể.

Các nhà nghiên cứu quân sự nghiên cứu các mẫu máu từ gần 60 bệnh nhân ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, ở các giai đoạn diễn biến bệnh khác nhau. Tình trạng của những bệnh nhân này ở các mức từ nghiêm trọng đến không có triệu chứng. Sau đó, những bệnh nhân được so sánh với 8 tình nguyện viên khỏe mạnh được quân đội tuyển dụng và không có tiếp xúc với virus trước đó.

Kết quả cho thấy sự khác biệt rất rõ rệt. Theo phân tích của các chuyên gia, những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không thể tạo ra bất kỳ tế bào nào nhắm tới virus SARS-CoV-2. Các tế bào ghi nhớ B được tạo ra từ hệ thống miễn dịch và có khả năng nhận ra virus, sản xuất kháng thể thậm chí hàng thập kỷ sau khi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng các tế bào T, được mệnh danh là "sát nhân", "người trợ giúp" ở những bệnh nhân này. Tế bào T là loại tế bào miễn dịch khác có thể tấn công những virus xâm nhập từ bên ngoài nhưng không nhắm mục tiêu cụ thể vào SARS-CoV-2. Tiến sĩ Ye nghi ngờ các tế bào này là "tàn tích" từ các đợt lây nhiễm trước đó do các chủng khác của virus Corona gây cúm thông thường.

Những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, có người "thập tử nhất sinh" sau nhiều tuần, có được lượng lớn tế bào ghi nhớ B, nhờ đó có được trang bị tốt hơn để ngăn chặn các đợt lây nhiễm khác. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng này lại không tạo ra đủ các tế bào T, theo nghiên cứu.

Nguyên nhân của hiện tượng này không rõ ràng. Trong cả hai trường hợp, phản ứng miễn dịch của bệnh nhân đều không hoàn thiện, Tiến sĩ Ye và các cộng sự lưu ý. Các chuyên gia lý giải, cả tế bào B và T đều cần có để cùng ngăn chặn các đợt lây nhiễm virus.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc tạo ra cả 2 phản ứng miễn dịch này có thể là yếu tố quan trọng với vaccine ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn