MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: AFP

Thời kỳ tiền tệ mới

Ngạc Ngư LDO | 21/03/2022 08:45

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chủ đạo cho đồng USD, nâng biên độ dao động từ 0,0%-0,25% lên 0,25%-0,5%. Lần đầu tiên kể từ năm 2018, Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng này và qua đó chính thức chấm dứt thời kỳ "tiền tệ rẻ" do lãi suất chủ đạo gần như bằng 0.

Trong suốt thời gian dài, Fed duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thật ra, Fed đã chủ định dần nâng lãi suất cơ bản từ cách đây nhiều năm nhưng rồi bùng phát dịch bệnh và Fed quyết định duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo thêm thời gian nữa.

Bây giờ, dịch bệnh hoành hành vẫn rất dữ dội ở nước Mỹ và tăng trưởng kinh tế Mỹ tuy đã phục hồi nhưng chưa được năng động và ổn định bền vững. Fed vẫn quyết định tăng lãi suất cơ bản. Nguyên do chính là tỉ lệ lạm phát ở nước Mỹ hiện rất cao, với 7,9% cao nhất trong thời gian 40 năm qua. Nâng lãi suất cơ bản là biện pháp chính sách kinh điển nhất mà các ngân hàng trung ương phát hành tiền áp dụng để đối phó tình trạng lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, nâng lãi suất cơ bản sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Fed đề ra mục tiêu là duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức độ 2%. Cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng theo đuổi mục đích tương tự. Mức độ tỉ lệ lạm phát này được xác định với quan điểm cho rằng như thế thích hợp để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ và duy trì lòng tin của người tiêu dùng vào sự ổn định của giá trị tiền tệ.

Vì tỉ lệ lạm phát ở Mỹ hiện cao gần gấp 4 lần mục tiêu nói trên của Fed và quá trình gia tăng đến mức độ hiện tại đã diễn ra từ lâu mà bây giờ Fed mới quyết định nâng mặt bằng lãi suất cơ bản, nên Fed bị phê trách là hành động quá muộn và thụ động, không phòng ngừa từ xa, từ sớm mà mãi đến khi sắp bị ngập mới chịu nhảy. Nhìn vào những chỉ số ở Mỹ đã được công bố về nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp thì đúng như thế thật. Tăng trưởng kinh tế không đến nỗi tồi, tỉ lệ thất nghiệp rất thấp và tỉ lệ lạm phát lại rất cao. Fed đối phó những phê trách này bằng lập luận riêng cho rằng bây giờ mới quyết định nâng lãi suất cơ bản hoàn toàn không muộn.

Ở đây có hai điều cần được đề cập đến. Thứ nhất là lạm phát tăng bởi nhiều lý do chứ không phải chỉ bởi mỗi lý do đồng tiền bị mất giá. Dịch bệnh, giá dầu và khí đốt gia tăng - chẳng hạn như bởi tác động hiện tại của tình hình chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina - đều góp phần rất đáng kể làm cho giá cả leo thang ở mọi nơi trên thế giới mà Fed hoàn toàn không thể chi phối được. Cho nên việc Fed tăng lãi suất cơ bản mới chỉ có thể chứ chưa thể hoàn toàn chắc chắn là sẽ đưa lại kết quả giảm tỉ lệ lạm phát ở Mỹ.

Thứ hai, tỉ lệ lạm phát hiện tại ở Mỹ đang rất cao mà Fed nâng lãi suất cơ bản theo từng bước đi nhỏ trải suốt khoảng thời gian dài nên không thể chắc chắn có được kết cục là Fed sẽ thành công. Fed dự định trong năm 2022 này sẽ còn ít nhất 7 lần tăng lãi suất cơ bản để nâng biên độ dao động cho lãi suất tới 1,9% và trong năm 2023 lên tới 2,9% - quá thấp và quá dè dặt để có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra là duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức độ 2%.

Dù vậy, việc Fed quyết định tập trung chống lạm phát cũng vẫn tác động thuận cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở nước Mỹ. Cử tri ở nước Mỹ có thể thông cảm về việc chính phủ và Fed cần nhiều thời gian và biện pháp chính sách để giảm đáng kể tỉ lệ lạm phát, nhưng sẽ dùng phiếu bầu trừng phạt phe cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội tới nếu chính phủ và Fed không quan tâm thoả đáng đến việc chống lạm phát.

Dù kết quả chống lạm phát và bầu cử cuối cùng sẽ như thế nào thì thời kỳ tiền tệ mới cũng đã bắt đầu ở nước Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn