MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Thử thách lớn nhất với đập Tam Hiệp trong mùa lũ sông Dương Tử vẫn chưa tới

Hải Anh LDO | 13/07/2020 06:32
Sông Dương Tử thường có từ 7-8 đỉnh lũ mỗi năm từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, do đó, các chuyên gia Trung Quốc cho biết, thử thách lớn nhất của thiên nhiên với đập Tam Hiệp vẫn chưa đến.

Đại hồng thủy 1998 liệu có lặp lại?

Sông Dương Tử ở Trung Quốc (hay sông Trường Giang), vốn có lượng mưa và đỉnh lũ cao nhất thường xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, hiện đã ở trong tình trạng báo động khiến nhiều người lo ngại khả năng lặp lại trận lụt lớn như năm 1998. 

Theo Thời báo Hoàn cầu, công chúng theo dõi chặt tình hình đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử xem có thể giữ được nước lũ và liệu Trung Quốc có xảy ra ngập lụt thảm khốc như 22 năm trước không. 

Các chuyên gia cứu trợ thiên tai chỉ ra, tăng trưởng kinh tế khiến Trung Quốc dễ bị tác động bởi lũ lụt và tổn thất lớn hơn, nhưng đập Tam Hiệp đã giúp lưu vực sông Dương Tử "an toàn hơn nhiều". 

Với đập Tam Hiệp, theo trấn an công chúng của các chuyên gia, thảm họa quy mô như trận đại hồng thủy năm 1998 ở Trung Quốc dường như không có khả năng xảy ra với sông Dương Tử. Dự án đập Tam Hiệp vận hành năm 2003 và đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước. 

Zhang Boting - nhà phân tích cao cấp của Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc - chia sẻ, với dự án đập Tam Hiệp, mực nước dòng chảy chính có thể duy trì ở mức thấp bằng cách giữ nước ở thượng nguồn hồ chứa Tam Hiệp, với hồ Bà Dương và các nhánh sông khác có thể xả nước vào dòng chảy chính của sông Dương Tử. 

Các khúc sông của Dương Tử an toàn hơn nhiều so với năm 1998, chuyên gia Zhang Boting nhận định.

Trong bối cảnh sức ép của nước lũ ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử, hôm 11.7, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang đã giảm lượng xả từ hồ chứa Tam Hiệp xuống 19.000 mét khối mỗi giây. Lượng xả sẽ được điều chỉnh phù hợp với lượng mưa sắp tới. 

Hồ chứa Tam Hiệp đã giảm mực nước hồi đầu tháng 6 xuống còn 145 mét, thấp hơn 30 mét so với mực nước lớn để đón nước lũ sắp tới. 

Phép thử với Tam Hiệp

Ông Gao Jianguo -  thành viên Ủy ban giảm nhẹ thiên tai quốc gia thuộc Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc cảnh báo, dù vai trò chính của dự án Tam Hiệp có thể giảm sức ép kiểm soát lũ dòng chảy chính nhưng các vùng hạ lưu vẫn đối mặt với các thách thức lớn từ lượng mưa theo vùng có thể gây lũ lụt và ngập lụt ở quy mô nhỏ hơn. 

Một mối lo ngại khác là mùa bão, thường xảy ra từ tháng 8 và có khả năng trùng với mùa lũ sông Dương Tử, đe dọa các vùng hạ lưu và khu vực đồng bằng. 

So với năm 1998, quy mô phát triển cao dọc theo sông Dương Tử đồng nghĩa với lũ lụt có thể gây thiệt hại kinh tế gấp 10 lần. Tuy nhiên, công nghệ và cải tiến quy trình liên quan tới hệ thống ứng phó khẩn cấp góp phần tăng khả năng ứng phó lũ lụt và giảm thiểu tác động, các chuyên gia nhận định. 

Chuyên gia Gao Jianguo cho rằng, Trung Quốc hiện chuẩn bị ứng phó lũ lụt tốt hơn, với dự báo và cảnh báo chính xác hơn về các dữ liệu thủy văn, khí tượng. Quy trình về logistics và phối hợp các nguồn lực cũng được nâng cao, tăng khả năng sẵn sàng cho các tình huống cấp bách liên khu vực. Trung Quốc hiện cũng có nhiều máy móc chuyên nghiệp hơn để gia cố bờ, sơ tán và tái thiết sau lũ lụt. 

Tại Giang Tây, Thời báo Hoàn cầu cho hay, máy bay không người lái được triển khai để theo dõi lũ lụt và các sự kiện địa chất khác ở các khu vực bị ảnh hưởng và phát hình ảnh trực tiếp để hỗ trợ công tác cứu hộ và cứu trợ tốt hơn. 

Theo các nhà phân tích, lượng mưa bất thường ở lưu vực sông Dương Tử trong năm nay không chỉ là phép thử với dự án Tam Hiệp, mà còn là cuộc thử nghiệm cho toàn bộ cơ chế ứng phó thảm họa của Trung Quốc.

Đỉnh lũ Dương Tử số 1 hình thành ngày 2.7 và hồ chứa Tam Hiệp đã thuận lợi ứng phó được. Sông Dương Tử thường có từ 7-8 đỉnh lũ mỗi năm trong giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, do đó, thử thách lớn nhất của thiên nhiên vẫn chưa đến, chuyên gia Gao nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn