MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Ấn Độ phác thảo các ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh G20

Ngọc Vân LDO | 05/09/2023 21:00

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề khí hậu và khủng hoảng nợ.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức vào ngày 9-10.9 tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh, vai trò chủ tịch của Ấn Độ trong G20 là một minh chứng cho vị thế ngày càng tăng của nước này trên thế giới.

Thủ tướng Modi nói thêm, từng được coi chỉ là một thị trường tiêu dùng khổng lồ, Ấn Độ giờ đây được coi là một quốc gia toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức từ đại dịch đến những cuộc khủng hoảng lớn hơn mà nhân loại phải đối mặt.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin PTI, ông Modi đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc chống lại các chính sách tài chính “vô trách nhiệm” và ủng hộ cam kết kiên định về kỷ luật tài chính. Ông nhấn mạnh, mặc dù các biện pháp dân túy có thể mang lại lợi ích chính trị ngắn hạn nhưng hậu quả kinh tế và xã hội lâu dài có thể rất tàn khốc.

Bình luận của ông Modi được đưa ra khi ông thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu mà ông thừa nhận là mối lo ngại cấp bách, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.

Khi các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20, ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của kỷ luật tài chính, đặc biệt là ở các quốc gia đang vật lộn với khủng hoảng nợ.

Ông Modi cho biết đã kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên trách nhiệm tài chính, thừa nhận rằng các chính sách tài chính hợp lý là rất quan trọng đối với sự ổn định và tăng trưởng của một quốc gia.

Nhấn mạnh đến tăng trưởng bao trùm - một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ, ông Modi cho biết quan điểm lấy GDP làm trung tâm đang chuyển sang quan điểm lấy con người làm trung tâm.

“Giống như một trật tự thế giới mới sau Thế chiến 2, một trật tự thế giới mới đang hình thành sau COVID-19. Các thông số về ảnh hưởng và tác động đang thay đổi và điều này cần được công nhận” - ông Modi nói và cho biết thêm rằng mô hình “Sabka Saath Sabka Vikas” của New Delhi, có nghĩa là “sự phát triển cho tất cả”, đã thể hiện được ở Ấn Độ và cũng có thể là một mô hình nguyên cho thế giới.

“Bất kể quy mô GDP thế nào, mọi tiếng nói đều quan trọng” - ông Modi nói, kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của các nước kém phát triển hơn ở “thế giới phương Nam” (Global South), đặc biệt là lục địa châu Phi, trong các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng cũng nhân cơ hội này nói về sự ổn định chính trị gần đây của Ấn Độ, lưu ý rằng điều này đã mở đường cho những cải cách quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, giáo dục, ngân hàng và tài chính. Ông cho rằng giai đoạn tăng trưởng này là nhờ một chính phủ ổn định với các chính sách có thể dự đoán được và tầm nhìn rõ ràng cho quốc gia.

Ông Modi đã công bố tầm nhìn đầy tham vọng đối với Ấn Độ trong hai thập kỷ tới, về một quốc gia phát triển, toàn diện, đổi mới và không có tham nhũng. Ông cam kết, đến năm 2047, Ấn Độ sẽ đứng trong số các nước phát triển trên thế giới, với nền kinh tế toàn diện và sáng tạo hơn, kết quả giáo dục và y tế được cải thiện cũng như xóa bỏ tham nhũng và chủ nghĩa đẳng cấp.

Kỷ niệm sự phát triển nhanh chóng của Ấn Độ từ nền kinh tế lớn thứ 10 lên nền kinh tế lớn thứ 5 trong vòng chưa đầy một thập kỷ, ông Modi nói: “Trong một thời gian dài, Ấn Độ được coi là quốc gia có hơn 1 tỉ người đói nghèo. Nhưng bây giờ, Ấn Độ đang được coi là quốc gia có hơn 1 tỉ trí tuệ đầy khát vọng, hơn 2 tỉ bàn tay lành nghề và hàng trăm triệu thanh niên”.

Khi được hỏi liệu hội nghị thượng đỉnh G20 có thể kết thúc với sự đồng thuận và tuyên bố chung được thông qua hay không do sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề đưa xung đột Ukraina vào chương trình nghị sự của G20, ông Modi đã không bình luận trực tiếp về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông nhắc lại lập trường của New Delhi: “Có nhiều xung đột khác nhau ở các khu vực khác nhau. Tất cả đều cần được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao. Đây là quan điểm của chúng tôi về bất kỳ cuộc xung đột nào ở bất cứ đâu. Dù có là chủ tịch G20 hay không, chúng tôi sẽ ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình trên toàn thế giới” - nhà lãnh đạo Ấn Độ cho biết.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một thế giới bị chia rẽ sẽ khó giải quyết được những thách thức chung”.

G20 là nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và hơn 75% thương mại toàn cầu, bao gồm 19 quốc gia: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu EU.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn