MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người biểu tình phản đối đóng cửa hoạt động quốc hội bên ngoài văn phòng Thủ tướng Anh hôm 28.8. Ảnh: AP

Thủ tướng Anh đình chỉ Quốc hội trước thềm Brexit

HẢI ANH LDO | 30/08/2019 06:56

Nhiều người đã bày tỏ thái độ sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kiến nghị Nữ hoàng Elizabeth II đình chỉ hay “tạm ngừng” Quốc hội đến ngày 14.10. Như vậy, các nghị sĩ quốc hội Anh sẽ chỉ còn chưa đầy 2 tuần trước thời hạn cuối Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) vào ngày 31.10.

Quốc hội Anh ngưng hoạt động 5 tuần

Việc Nữ hoàng Anh chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Boris Johnson đồng nghĩa với Quốc hội nước này sẽ ngưng hoạt động trong 5 tuần, bắt đầu sớm nhất là ngày 9.9 hoặc muộn nhất là 12.9 và kéo dài tới ngày 14.10, theo Vox.

Tờ báo này phân tích, việc Quốc hội Anh trong trạng thái “treo” trong khoảng thời gian này đồng nghĩa các nghị sĩ Quốc hội Anh có rất ít thời gian để tranh luận, xem xét kỹ lưỡng và thông qua một thỏa thuận Brexit nếu có một thỏa thuận nào được đưa ra, cũng như không đủ thời gian để ngăn Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31.10.

Việc Anh rời EU khi không có thỏa thuận là điều mà Thủ tướng Boris Johnson từng khẳng định ông sẵn lòng và sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn các nghị sĩ quốc hội Anh phản đối lộ trình này bởi nguy cơ có những hệ quả không mong muốn về kinh tế.

Theo kế hoạch, Quốc hội Anh dự kiến sẽ trở lại hoạt động trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9 tới sau đó tạm nghỉ để các chính đảng tổ chức hội nghị. Sau kỳ nghỉ này, Quốc hội Anh sẽ trở lại làm việc vào đầu tháng 10.

Thủ tướng Boris Johnson phủ nhận thông tin cho rằng, việc trì hoãn hoạt động của quốc hội trong 5 tuần trong bối cảnh Anh đang trong cuộc khủng hoảng quốc gia về Brexit có bất cứ liên quan nào đến cuộc khủng hoảng này.

Trong thư gửi các nghị sĩ, thủ tướng Anh cho biết, kỳ họp này lập pháp này cần phải kết thúc bởi đây là một trong những kỳ họp dài nhất trong lịch sử. Ông cũng tiết lộ ý định đưa ra một “chương trình nghị sự lập pháp nội địa đầy tham vọng và táo bạo cho đổi mới sau Brexit”. Chương trình này sẽ nhằm tăng cường ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nhà nước, chống tội phạm và giảm chi phí sinh hoạt ở Anh.

Ông cũng khẳng định rằng, sau thời gian “treo”, khi trở lại hoạt động, các nghị sĩ Anh có đủ thời gian để thảo luận về Brexit.

Công chúng và chính giới phản đối

Nhiều nghị sĩ Anh bày tỏ phản đối động thái của Thủ tướng Boris Johnson, cáo buộc ông khiến Anh rơi vào khủng hoảng hiến pháp.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow gọi việc chính phủ hoãn thời gian làm việc của Quốc hội nước này là “vi phạm hiến pháp”. Ông cũng cho rằng, mục đích của động thái này là “ngăn chặn Quốc hội thảo luận về Brexit và thực hiện nhiệm vụ”.

Lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cho rằng, động thái hoãn hoạt động của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ của đất nước. Margaret Beckett, chính chị gia Công đảng chỉ trích động thái của thủ tướng Anh, cáo buộc ông “lôi kéo nữ hoàng vào trung tâm của những lạm dụng nguy hiểm và khó khăn nhất với quyền hạn thông thường của chính phủ”.

AP cho hay, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Quốc hội Anh, vẫy cờ EU cùng các biểu ngữ bày tỏ sự phản đối tạm ngừng hoạt động quốc hội. Giáo hội Anh gửi thư ngỏ bày tỏ lo ngại về những cú sốc kinh tế với người nghèo và những người dễ bị tổn thương khác nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Một bản kiến nghị trên website chính phủ Anh nhằm yêu cầu không ngừng hoạt động quốc hội nhận được hơn 100.000 chữ ký, đảm bảo kiến nghị này sẽ được đưa ra xem xét. Các nghị sĩ Anh thậm chí còn sẵn sàng yêu cầu tòa án ra phán quyết việc “treo” hoạt động của quốc hội là bất hợp pháp. Nếu việc này thất bại, các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU cũng có kế hoạch nỗ lực thông qua một văn bản pháp lý cấm Brexit không thỏa thuận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn