MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, ngày 13.11.2022. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi Ukraina không dùng bom chùm của Mỹ

Song Minh LDO | 10/07/2023 14:36

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 9.7 kêu gọi Ukraina không sử dụng bom chùm, sau khi Mỹ thông báo kế hoạch gửi vũ khí này tới Kiev.

“Người Ukraina sẽ đối mặt mối nguy hiểm lớn nhất trong nhiều năm hoặc thậm chí hàng trăm năm nếu bom chùm được sử dụng ở các khu vực do Nga kiểm soát” - AFP đưa tin, dẫn lời Thủ tướng Hun Sen viết trên Twitter.

Thủ tướng Hun Sen trích dẫn "kinh nghiệm đau thương" của Campuchia về bom chùm do Mỹ thả vào đầu những năm 1970, khiến hàng chục nghìn người bị thương tật hoặc thiệt mạng.

"Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn chưa có giải pháp nào gỡ hết bom mìn" - ông Hun Sen viết.

"Tôi kêu gọi Tổng thống Mỹ với tư cách là nhà cung cấp và Tổng thống Ukraina với tư cách là người nhận không sử dụng bom chùm vì nạn nhân thực sự sẽ là người Ukraina” - Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Mỹ cho biết đã nhận được sự đảm bảo từ Ukraina rằng nước này sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro cho dân thường. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden thừa nhận, việc cung cấp bom chùm cho Ukraina là một "quyết định khó khăn".

Mỹ đã thả hàng triệu quả bom xuống Campuchia, Lào và Việt Nam trong những năm 1960 và 1970. Campuchia là một trong những quốc gia gánh chịu nhiều bom mìn nhất trên thế giới. Khoảng 20.000 người Campuchia đã thiệt mạng trong bốn thập kỷ qua do giẫm phải mìn hoặc vật liệu chưa nổ.

Công việc rà phá bom mìn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Chính phủ Campuchia cam kết sẽ rà phá tất cả bom mìn và vật liệu chưa nổ vào năm 2025.

Vào tháng 1 năm nay, một nhóm rà phá bom mìn Ukraina đã đến các bãi mìn của Campuchia để học hỏi kinh nghiệm rà phá từ hàng chục năm qua.

Nhiều nước và tổ chức nhân đạo đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định cung cấp bom chùm của Mỹ cho Ukraina.

Cơ chế hoạt động của bom chùm. Ảnh: AFP

Bom chùm là vũ khí chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn.

Bom chùm có thể được thả từ máy bay, phóng theo tên lửa hoặc bắn từ pháo, súng hải quân hoặc bệ phóng tên lửa.

Các quả bom nhỏ bên trong bom chùm sẽ phát tán ra xung quanh để tiêu diệt quân đội hoặc hạ gục các phương tiện bọc thép như xe tăng.

Mỗi quả bom nhỏ có phạm vi sát thương khoảng 10 m2. Do đó, một quả bom chùm duy nhất có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000 m2, tùy thuộc vào độ cao mà nó tung ra các bom nhỏ.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, khoảng 10% - 40% quả đạn trong bom chùm không phát nổ. Những quả bom chưa nổ có thể bị kích nổ bởi hoạt động dân sự diễn ra sau đó nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Phần lớn thế giới đã cấm sử dụng các loại vũ khí này thông qua Công ước về bom, đạn chùm. Công ước cũng cấm việc tàng trữ, sản xuất và chuyển giao chúng.

Mặc dù 123 quốc gia đã tham gia Công ước về bom, đạn chùm, nhưng Mỹ, Ukraina, Nga và 71 quốc gia khác hiện không tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn