MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Quốc hội ngày 13.3.2024. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Đức nêu lằn ranh đỏ về Ukraina

Ngọc Vân LDO | 14/03/2024 07:38

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại lập trường của mình về xung đột Nga - Ukraina.

Ngày 13.3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Quốc hội Đức (Bundestag) rằng ông sẽ không chấp thuận việc trang bị cho Ukraina tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Berlin.

Kiev ngày càng lên tiếng nhiều hơn về việc thiếu vũ khí và đạn dược ở tiền tuyến, và từ lâu đã yêu cầu cung cấp các tên lửa do Đức sản xuất. Thủ tướng Scholz cảnh báo, Kiev có thể tận dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, bao gồm Mátxcơva và St. Petersburg, khiến xung đột trở nên trầm trọng hơn.

Trong phiên họp toàn thể, Thủ tướng Scholz tái khẳng định lập trường của mình với các nhà lập pháp, nhấn mạnh việc chuyển giao tên lửa Taurus là "một lằn ranh mà tôi không muốn vượt qua với tư cách là thủ tướng". Ông nói thêm, sẽ là "vô trách nhiệm" nếu cung cấp tên lửa mà không có sự tham gia của quân nhân Đức, những người được huấn luyện để biết "nhắm, bắn và đánh ở đâu".

Ông nói: “Điều cần thiết là phải “đảm bảo rằng không có sự tham gia của binh lính Đức khi vận chuyển vũ khí” và do đó việc cung cấp tên lửa Taurus là “không thể chấp nhận được”.

“Với tư cách là thủ tướng, tôi có trách nhiệm ngăn chặn Đức tham gia vào cuộc chiến này. Sự thận trọng không phải là thứ có thể bị coi là điểm yếu như một số người quy chụp, mà sự thận trọng là điều mà công dân của chúng ta được hưởng" - ông nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc cẩn thận các quyết định cá nhân liên quan đến Ukraina.

Khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina đã thu hút sự chú ý của Điện Kremlin sau khi đoạn ghi âm các quan chức quân sự hàng đầu của Đức thảo luận về việc sử dụng loại vũ khí này có khả năng phá hủy cầu Crimea của Nga bị rò rỉ cho RT. Vụ rò rỉ khiến cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cáo buộc Đức đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga, điều mà Berlin đã phủ nhận.

Mátxcơva nhiều lần cảnh báo, bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev, những người ủng hộ phương Tây chỉ kéo dài chứ không giúp kết thúc xung đột. Nga muốn chấm dứt tình trạng thù địch và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng cho biết không nhận thấy sự sẵn lòng như vậy từ Kiev hoặc những người ủng hộ Ukraina ở phương Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn