MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh: AFP

Thủ tướng Thụy Điển thừa nhận thất cử, cánh hữu sắp nắm quyền

Ngọc Vân LDO | 15/09/2022 08:18
Ngày 14.9, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Theo Reuters, liên đảng cánh hữu bao gồm đảng Ôn hòa của ông Ulf Kristersson, đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và đảng Tự Do đã chính thức giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Thụy Điển hôm 11.9.

Theo cơ quan bầu cử Thụy Điển ngày 14.9, liên đảng cánh hữu giành được 176 ghế so với 173 ghế của cánh tả trong số 349 ghế quốc hội.

“Trong quốc hội, họ có lợi thế một hoặc hai ghế. Đó là đa số mỏng, nhưng là một đa số” - bà Andersson, nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển, phát biểu trong họp báo và thừa nhận thất bại.

Ông Ulf Kristofferson, lãnh đạo đảng Ôn hòa và lãnh đạo khối cánh hữu, nói với các phóng viên: “Bây giờ tôi sẽ bắt đầu thành lập một chính phủ mới có thể hoàn thành công việc, một chính phủ cho tất cả mọi người và Thụy Điển”.

Đảng Ôn hòa giành được 19,1% số phiếu bầu, trong khi Đảng Dân chủ Thụy Điển chiếm 20,6% - lần đầu tiên vượt qua đảng Ôn hòa vốn lâu nay dẫn đầu phe cánh hữu.

Mặc dù được cử tri yêu thích, lập trường chống nhập cư của Đảng Dân chủ Thụy Điển đã làm giảm cơ hội nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ một số phe phái bảo thủ.

Sau nhiều năm chào đón nhiều người nhập cư hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, Stockholm cuối cùng đã thừa nhận không thể hỗ trợ người nhập cư về mặt tài chính cũng như buộc họ phải tuân thủ luật pháp của mình, khiến những người Thụy Điển hiếu khách một thời rơi vào vòng tay của phong trào chống nhập cư ngày càng tăng. 

Thủ tướng Andersson thừa nhận vào đầu năm nay rằng sự hòa nhập của người nhập cư là “quá kém” và lực lượng thực thi trật tự “quá yếu” sau các cuộc bạo động ở nhiều thành phố do một chính trị gia chống Hồi giáo đốt kinh Quran gây ra. Dân số nhập cư của đất nước đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua và hiện chiếm 1/5 dân số Thụy Điển. Hơn 40% người Thụy Điển coi con số này là quá cao khi được khảo sát vào năm 2016.

Nhập cư không phải là vấn đề duy nhất khiến cử tri quay lưng với đảng Dân chủ Xã hội sau 8 năm cầm quyền. Giống như phần còn lại của Châu Âu, Thụy Điển đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và có thể phải đối mặt với suy thoái ngay trong năm tới. Đơn đăng ký gia nhập NATO, được đệ trình cùng với Phần Lan nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraina, vẫn chưa được chấp thuận, vì Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên NATO - phản đối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn