MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5). Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện, ngoại giao kinh tế Việt Nam - EU

Khánh Minh LDO | 09/09/2021 08:16

Ngay sau khi kết thúc các hoạt động nghị viện đa phương và song phương tại Cộng hòa Áo, nhận lời mời của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm, làm việc với Nghị viện Châu Âu (EP), Liên minh Châu Âu (EU) tại Vương quốc Bỉ từ ngày 8-9.9.

Thúc đẩy thực thi EVFTA, phê chuẩn EVIPA

Chuyến thăm và làm việc lần này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EP/EU, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), cũng như thúc đẩy mối quan hệ nghị viện. Chuyến công tác thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết; đồng thời là sự mở đầu cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa lãnh đạo cao nhất của hai cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, Nguyễn Văn Thảo khẳng định, EU là một đối tác hết sức quan trọng của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ 50 năm nay và đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. EU là một đối tác mà Việt Nam có đầy đủ các khuôn khổ để đối thoại và trao đổi. Với tình hình thế giới biến đổi, tiềm năng hợp tác, trao đổi với EU còn rất lớn.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều phát triển tích cực bất chấp tác động của đại dịch. Năm 2020, Việt Nam là đối tác thượng mại lớn nhất của EU tại ASEAN. EU xem Việt Nam là hình mẫu gắn kết giữa thương mại, phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người, khẳng định ưu tiên đối thoại trong xử lý các vấn đề cùng quan tâm.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế quan trọng của EU ở khu vực. EU có tiềm năng tài chính, khoa học-công nghệ, quản lý, đặc biệt các vấn đề phát triển bền vững, phát triển xanh. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của EU mà Việt Nam đang có nhu cầu. Thêm vào đó, EU cũng đi đầu trong những hành động về biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, cắt giảm lượng khí thải  toàn cầu... Việt Nam đang là một trong những nước cần vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Những thế mạnh của EU cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên hợp tác trong tương lai vì thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới sẽ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

Đề cập đến những ưu tiên của Việt Nam trong mối quan hệ với các bên trong tương lai, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng "EU có tiếng nói trong trật tự toàn cầu. Việt Nam là đối tác quan trọng của EU và EU mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và đây là lý do tại sao EU ký kết với Việt Nam nhiều thỏa thuận đối tác chiến lược. Với những biến chuyển trên thế giới, EU sẽ có những định hướng coi trọng hơn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là trung tâm".

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và EC không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hai bên duy trì quan hệ trao đổi thông tin, đối thoại về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương nhằm cùng đưa ra các giải pháp vì lợi ích chung.

Hợp tác Việt Nam - Bỉ

Theo VOV, quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Bỉ được triển khai ở các cấp độ, với nghị viện liên bang, nghị viện các vùng và cộng đồng ngôn ngữ và đạt một số kết quả tích cực, thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương. Hai bên cùng chia sẻ những nhận thức chung về tiềm năng hợp tác to lớn, sâu rộng trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi bất đồng trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ một số doanh nghiệp đang triển khai dự án hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, cảng biển, logistic, công nghệ thông tin, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp, gặp một số cộng đồng doanh nghiệp và tiếp một số doanh nghiệp lớn nhằm giới thiệu môi trường đầu tư cũng như các dự án kêu gọi sự ưu tiên đầu tư.

Với các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, đây cũng là cách để Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những khó khăn của doanh nghiệp về mặt chính sách, luật pháp để có sự điều chỉnh phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn