MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không khí ở Vũ Hán trong thời gian phong toả trở nên trong lành hơn. Ảnh: Getty Images

Thực hiện cách ly, môi trường được cải thiện

Bảo Châu LDO | 31/03/2020 18:57

Trong khi cả thế giới chật vật khống chế đại dịch COVID-19 và những hậu quả nặng nề do nó mang lại, môi trường sống trên trái đất đang chứng kiến những dấu hiệu khả quan.

Người dân Vũ Hán trong hoàn cảnh bế quan toả cảng nhận thấy bầu trời đã dần chuyển sang màu xanh và thay vì dày đặc khói bụi, nghe thấy cả tiếng chim hót vì không có tiếng ồn ào của xe cộ.

Cách đó nửa vòng trái đất, ở thành phố Venice của Italia, màu nước thường âm u của các kênh đào huyền thoại chuyển sang màu xanh lục trong vắt. 

Trong suốt tháng 2, các vệ tinh giám sát ô nhiễm của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã phát hiện ra sự sụt giảm đáng kể lượng khí thải NO2 - được tạo ra bởi động cơ xe hơi, nhà máy điện và sản xuất công nghiệp - tại các thành phố và khu vực công nghiệp ở Châu Á và Châu Âu thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

"Đây là lần đầu tiên tôi thấy sự sụt giảm đáng kinh ngạc trên một khu vực rộng lớn như vậy trong một bối cảnh đặc biệt", tờ Straits Times dẫn lời Tiến sĩ Fei Liu, một nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA, cho biết trong một bài đăng gần đây trên trang web của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ này.

Tân Hoa Xã ngày 27.3 cũng đã báo cáo chất lượng không khí được cải thiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 tại hơn 330 thành phố ở Trung Quốc do Bộ Sinh thái và Môi trường giám sát. Mật độ bụi mịn PM2.5, một chỉ số chính của ô nhiễm không khí, cũng giảm 13,1% so với một năm trước.

Theo báo cáo trong tháng 3 của Bloomberg Intelligence, các biện pháp phong toả đã làm mất đi khoảng gần 1,5 tỉ tấn CO2 tại Trung Quốc, nhiều hơn tổng lượng khí thải CO2 hàng năm của Nhật Bản, nền kinh tế số 3 thế giới.

Ở miền bắc Italia, tâm chấn của đại dịch COVID-19 ở nước này, ô nhiễm NO2 cũng giảm cùng với nhu cầu sản xuất điện, giúp làm sạch bầu không khí trong khu vực. Điều tương tự có thể sẽ được lặp lại trên hầu hết Châu Âu và Mỹ và các nước khác khi đại dịch lan rộng.

Tiến sĩ Glen Peters, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Khí hậu Quốc tế tại thành phố Oslo, Na Uy cho biết: "Dựa trên những dự báo mới cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2020, chúng tôi cho rằng tác động của COVID-19 có thể hạn chế đáng kể lượng khí thải toàn cầu".

Điều này là một tín hiệu đáng mừng, đồng nghĩa với việc sẽ tránh được hàng chục nghìn cái chết vì ô nhiễm không khí, bởi theo một nghiên cứu được công bố trong tháng 3 cho biết ô nhiễm không khí khiến 8,8 triệu người tử vong trên toàn cầu cho tới nay.

Tuy nhiên, sự sụt giảm khí thải này có thể chỉ là tạm thời. Khi đại dịch qua đi và hoạt động kinh tế và xã hội khôi phục trở lại, lượng khí thải CO2 sẽ lại tăng vọt. 

Nhưng nhìn chung, vẫn có những bài học rút ra từ đại dịch và từ việc buộc phải thay đổi lối sống để duy trì khoảng cách xã hội, có thể giúp ích các quốc gia trong giải quyết biến đổi khí hậu. 

Các biện pháp nên được tiếp tục duy trì như làm việc từ xa tại nhà, hội nghị trực tuyến để hạn chế việc đi lại, rút ​​ngắn chuỗi cung ứng bằng cách lựa chọn các công ty cung cấp nguyên liệu ở thị trường gần, đi nghỉ gần nhà hơn, mua sắm và tiêu thụ ít hơn..., đồng thời sử dụng năng lượng xanh thay vì năng lượng hoá thạch trong sản xuất. 

Nếu chính phủ và các cá nhân có thể làm những điều này sẽ góp phần đáng kể giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, đó sẽ là kết thúc có hậu của cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn