MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kho chứa nhiên liệu của công ty dầu khí Nga Lukoil tại Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Thực trạng phơi bày từ vụ Ukraina khóa van dòng dầu của Nga

Thanh Hà LDO | 30/07/2024 15:26

Hungary và Slovakia là các quốc gia liên quan trong vụ Ukraina chặn dòng dầu của Nga trung chuyển qua đường ống dẫn dầu của nước này.

Tháng 6 năm nay, Ukraina áp đặt lệnh trừng phạt Lukoil, công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất của Nga.

Hungary nhập khoảng 70% nhu cầu dầu trong nước từ Nga và khoảng một nửa trong số này đến từ Lukoil, thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba đi qua Ukraina.

Khi dòng dầu đi qua Ukraina bị cắt giảm, các quan chức Hungary cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trong những tháng tới.

Slovakia mua khoảng 40% nhu cầu dầu từ Lukoil qua cùng tuyến đường ống Druzhba.

Hungary và Slovakia muốn Ủy ban châu Âu gây sức ép để Ukraina dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để dòng dầu của Lukoil có thể tiếp tục đi qua đường ống dẫn dầu của Ukraina.

Theo RTE News, lượng dầu của Nga mà Hungary và Slovakia nhập khẩu không đáng kể so với khối lượng mà các nền kinh tế lớn hơn mua, đặc biệt là ở châu Á.

Các lệnh trừng phạt của EU, cùng với G7 và Na Uy, nhằm cấm nhập khẩu dầu thô của Nga được đưa ra tháng 12.2022 và cấm các sản phẩm dầu tinh chế của Nga từ tháng 2.2023. Những biện pháp này nhắm vào dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, không phải qua đường ống.

Theo một nghĩa nào đó, các lệnh trừng phạt của EU và G7 đã có hiệu quả, ít nhất là ở phương Tây. Các quốc gia châu Âu (trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech) đã từ bỏ vàng đen của Nga và tìm ra các nguồn khác để thay thế mặt hàng này.

Nhà máy lọc dầu Slovnaft ở Slovakia. Ảnh: MOL

Tháng 2 năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, ước tính, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga mất khoảng 12% doanh thu từ dầu mỏ so với trước xung đột, tương đương 3,4 tỉ euro mỗi tháng.

Nhưng các công ty Nga đã nhanh chóng tăng xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn khác, cung cấp dầu giá rẻ hơn và tìm được các công ty bên ngoài các quốc gia trừng phạt để vận chuyển dầu đi khắp thế giới.

Trường Kinh tế Kiev (KSE) ước tính, doanh thu từ dầu mỏ của Nga năm 2023 đạt khoảng 183 tỉ USD.

"Đã có sự thay đổi dòng chảy dầu toàn cầu" - Georg Zachmann, chuyên gia năng lượng cấp cao tại nhóm nghiên cứu Bruegel ở Brussels, Bỉ, chia sẻ với RTE News.

Ấn Độ đã chi 70 tỉ USD để nhập khẩu dầu của Nga vào năm ngoái và hiện nhập lượng nhiên liệu từ Nga nhiều gấp 10 lần so với năm 2021.

Các nhà phân tích cho biết, Ấn Độ đã mua dầu của Nga với giá ưu đãi sau khi áp dụng lệnh trừng phạt khi Nga có rất nhiều tàu chở dầu đầy ắp. Kể từ đó, Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga.

Mức nhập khẩu dầu từ Ấn Độ tăng đã bù đắp phần lớn khoảng trống về dầu thô Nga mà các nước châu Âu bỏ lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu số 1, đã chi gần 98 tỉ USD để nhập khẩu dầu của Nga vào năm ngoái. Trung Quốc nhập khoảng 60% dầu của Nga thông qua tàu vận tải, phần còn lại được vận chuyển qua đường ống dẫn dầu ESPO từ Siberia.

Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng lượng nhập khẩu dầu của Nga kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực, với mức tăng lần lượt là 38 tỉ USD và 12 tỉ USD trong năm 2023, dù phần lớn mặt hàng 2 nước này mua là dầu tinh chế, không phải dầu thô. Malaysia và Singapore bám sát sau những nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn