MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra như dự kiến.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Không có rồi có thể lại có

NGẠC NGƯ LDO | 28/05/2018 10:12
Số phận cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên hiện là một trong những chuyện thế giới quan tâm để ý đến nhiều nhất. Điều này vốn không có gì khó hiểu vì tác động chính trị an ninh khu vực và thế giới của sự kiện.

Sự kiện có diễn ra hay không và có thành công hay không đều ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới.

Dồn dập thay đổi

Lúc đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ lớn khi nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp này được 2 phía tiến hành khá thuận lợi. Singapore được chọn làm địa điểm và thời gian cụ thể được ấn định là ngày 12.6 tới. Ngày 24.5 vừa qua, ông Donald Trump viết thư gửi ông Kim Jong-un, thông báo quyết định huỷ cuộc gặp với lý do phía Triều Tiên thể hiện thái độ thù địch.

Việc ông Donald Trump huỷ cuộc gặp không gây bất ngờ vì thật ra trước đó, cả 2 phía đều có phát biểu công khai với hàm ý doạ sẽ huỷ cuộc gặp. Nhưng, chỉ không đầy 1 ngày sau, ông Donald Trump lại cho biết là, Mỹ và Triều Tiên vẫn tiến hành chuẩn bị cho cuộc gặp để nó có thể diễn ra vào ngày 12.6 tới như đã được dự định hoặc vào thời điểm nào đấy sau này, tức là sự kiện lớn không bị huỷ mà vẫn có thể sẽ diễn ra, thậm chí lại còn sẽ diễn ra như dự kiến, cùng lắm thì chỉ bị hoãn.

Ông Donald Trump đánh giá tích cực phản ứng của Triều Tiên về quyết định của mình huỷ cuộc gặp và đã cử đoàn tiền trạm sang Singapore để chuẩn bị. Trong khi đó, ông Kim Jong-un đã bất ngờ có cuộc gặp thứ 2 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm. Ông Moon Jae-in hối thúc ông Kim Jong-un và ông Donald Trump kiên định kế hoạch gặp nhau. Cả phía Trung Quốc và Nga cũng ủng hộ ông Donald Trump và ông Kim Jong-un thực hiện cuộc gặp.

Sau khi không có rồi bây giờ lại có thể có - đấy là cảm nhận đơn giản về số phận cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Không bất ngờ sao được khi ông Donald Trump vừa quyết huỷ cuộc gặp mà rồi lại úp mở khả năng cuộc gặp không bị huỷ mà sẽ vẫn diễn ra hoặc chỉ bị hoãn. Rõ ràng là cả Mỹ và Triều Tiên đều đã có sự thay đổi rất nhanh chóng quan điểm sau quyết định nói trên của ông Donald Trump để công việc chuẩn bị cho cuộc gặp không bị ngưng trệ mà lại được tiếp tục tiến hành.

Cả việc ông Kim Jong-un chủ động đề nghị gặp lại ông Moon Jae-in và rất có thể tới đây sẽ đi Trung Quốc lần thứ 3 để tham vấn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho thấy, ông Kim Jong-un cũng như ông Donald Trump thật sự mong muốn cuộc gặp không bị huỷ mà nhanh chóng diễn ra và ông Kim Jong-un có ý nhờ Trung Quốc và Hàn Quốc tác động tới Mỹ, trực tiếp tới ông Donald Trump để chuyện họ gặp nhau không bị huỷ.

Có thỏa thuận mới có thượng đỉnh

Cả ông Donald Trump lẫn ông Kim Jong-un dường như đều đã rút ra được những bài học cần thiết từ diễn biến trong thời gian vừa qua là, nếu thật sự muốn cuộc gặp được tiến hành và thành công thì cả 2 phía đều phải chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau và phải lưu ý thoả đáng đến mức độ nhạy cảm về mọi phương diện, đặc biệt về thể diện và đối nội ở cả 2 bên.

Số phận của sự kiện lớn này không phụ thuộc ở mức độ quyết định vào phát biểu từ phía Mỹ hay phía Triều Tiên về nhau như đã thấy trong những ngày vừa qua, mà phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào việc Mỹ và Triều Tiên có đạt được thoả thuận về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong quá trình chuẩn bị về nội dung cho cuộc gặp hay không. Có thoả thuận thì sự kiện mới thành công. Có chắc chắn là sự kiện sẽ thành công thì ông Donald Trump mới gặp ông Kim Jong-un.

Điều chắc chắn là, nếu 2 bên có đạt được thoả thuận gì thì nó cũng không thể giống như cái gọi là Mô hình giải pháp Libya hay thoả thuận hạt nhân đã có cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) mà Mỹ đã quyết không tham gia nữa, hoặc mô hình giải pháp cho Iran trên cơ sở 12 điều kiện mà Mỹ đã đưa ra cho Iran. Phía Triều Tiên đã sử dụng khái niệm “Công thức Trump” để miêu tả thoả thuận này. Nó chỉ có thể là quá trình từng bước phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên đi cùng với giải pháp cho những vấn đề khác tồn tại trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Triều Tiên.

Cũng vì thế mà thế giới bên ngoài lại có thể có được chút lạc quan về triển vọng cuộc cấp cao Mỹ - Triều Tiên vẫn sẽ diễn ra. Cho dù cuộc gặp này chưa được tiến hành và Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cứ tiếp tục cách thức xử lý quan hệ song phương như trong thời gian vừa qua thì vẫn tốt lành và tích cực đối với hoà bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á, ít nhất thì cũng hơn thời trước đó rất nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn