MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra tại Phần Lan ngày 16.7. Ảnh: Reuters

Thượng đỉnh Vladimir Putin - Donald Trump: Nền tảng xóa nghi kỵ Nga - Mỹ

HÀ LIÊN LDO | 17/07/2018 10:32
Các chuyên gia Việt Nam nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan ngày 16.7 là nền tảng ban đầu để Nga - Mỹ tạo niềm tin tốt hơn với nhau, mở ra sự cải thiện trong quan hệ về mặt ngoại giao và dân sự.

Hội nghị diễn ra đã là thành tựu

Ông Nguyễn Đăng Phát - Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương nhận định, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ để thảo luận về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, quan hệ quốc tế là dấu hiệu tích cực, là sự kiện rất quan trọng.

“Cuộc gặp diễn ra ở thời điểm quan hệ Nga - Mỹ vẫn rất căng thẳng, triển vọng cải thiện chưa rõ ràng lắm. Những hình thức, biện pháp hợp tác giữa 2 bên bấy lâu bị giảm đi rất nhiều. Các cơ chế hợp tác vốn có giữa Mỹ - Nga như Ủy ban của 2 tổng thống điều phối hợp tác song phương mấy năm nay không hoạt động, một số kênh liên lạc, tiếp xúc giữa 2 nước bị bỏ ngỏ… Đặc biệt, Mỹ và phương Tây duy trì các biện pháp cấm vận gây cho Nga khá nhiều khó khăn”- ông nói.

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội - đánh giá: “Cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Vladimir Putin diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo, dù trước đó có 2 lần gặp ngắn tại Việt Nam và Đức. Vì thế, cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki có ý nghĩa lớn không chỉ với 2 nước mà còn có ý nghĩa với toàn cầu”.

Theo ông, một loạt vấn đề có tính chất toàn cầu “không thể không có sự hợp tác của Nga - Mỹ” như: Syria, Ukraina, thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên, mâu thuẫn rất sâu sắc giữa Mỹ và các nước đồng minh ở Châu Âu - NATO, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal ở Anh…

“Trong bối cảnh hiện nay, 2 nhà lãnh đạo gặp nhau là điều tốt, là điều vui mừng vì có rất nhiều điều 2 bên cần phải làm sáng tỏ. Cuộc gặp thượng đỉnh này cũng biểu hiện sự cần thiết trong việc đối thoại giữa 2 nước. Đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, giảm thiểu sự hiểu sai, hiểu chưa rõ chưa trong một số vấn đề” - GS.TS Phạm Quang Minh nói.

Nền tảng xóa đi nghi kỵ

Nhận định tính cách của 2 nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Donald trump hoàn toàn khác nhau, vì vậy, kết quả của cuộc gặp là rất khó đoán định, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết: “Ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ ở chỗ nhằm nâng cao hình ảnh, uy tín của 2 nhà lãnh đạo. Đặc biệt, ông Donald Trump muốn lấy hình ảnh cho uy tín, vị thế lãnh đạo của cá nhân trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Đối với ông Vladimir Putin, sau khi lên nắm quyền tổng thống Nga nhiệm kỳ 4 cũng cần sự ủng hộ nhiều hơn nữa của nhân dân trong việc thực hiện các cam kết”.

Cũng theo ông Phạm Quang Minh, rất khó có đột phá trong các vấn đề tâm điểm căng thẳng giữa Washington và Mátxcơva, nhưng “ông Donald Trump, ít nhất là vẫn tạo ra sự tin cậy và ủng hộ của ông Vladimir Putin”.

Về tác động của cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ với quan hệ song phương, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: “Cuộc gặp mới chỉ là nền tảng ban đầu để xóa đi những cái nghi kỵ, khoảng cách trong suy nghĩ để 2 bên hiểu nhau, tạo niềm tin tốt hơn với nhau. Do đó, cuộc gặp sẽ có vai trò quan trọng khi mở ra sự cải thiện trong quan hệ Nga - Mỹ về mặt ngoại giao và dân sự trong bối cảnh hiện nay”.

Theo ông Nguyễn Đăng Phát, 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở Helsinki, Phần Lan ngày 16.7 trong thế bình đẳng. Tuy nhiên, về khả năng phát huy được các thỏa thuận, phía ông Vladimir Putin lợi thế hơn do cơ chế trong nước.

Ông lý giải: Ở Nga, tổng thống có nhiều quyền lực và quyết định chính sách đối ngoại. Các chính sách, quyết định của ông có thể nói là nhận được sự đồng thuận của hệ thống chính trị, của dư luận. Đây là lợi thế cho ông Vladimir Putin khi đối thoại với bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Ở Mỹ phức tạp hơn, tổng thống Mỹ rất nhiều quyền lực nhưng về những vấn đề chính sách đối ngoại có nhiều vấn đề do quốc hội quyết định. “Hiện nay, ở một số vấn đề, nhất là trong quan hệ với Nga, Tổng thống Donald Trump cũng đang bị quốc hội “khóa tay” lại, rất khó hành động” - ông Phát nói.

Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt -Nga nhận định, sau cuộc gặp, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển tốt hơn bởi khả năng lãnh đạo 2 nước có thể đạt được những thỏa thuận để khôi phục, nối lại một số cơ chế liên lạc, tiếp xúc, thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên.

“Nhờ cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, trên nền quan hệ 2 nước vẫn rất phức tạp, việc nối lại các kênh liên lạc để 2 bên tiếp xúc với nhau, gỡ bỏ dần dần căng thẳng có thể đưa tới sự cải thiện dần dần quan hệ Nga - Mỹ” - ông nói.

Những nốt trầm trong quan hệ Nga - Mỹ từ 2014

- Tháng 3.2014: Sau khi Nga sáp nhập Crưm theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý với 96,77% phiếu ủng hộ, Mỹ và Liên minh Châu Âu EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhằm vào các ngành tài chính, năng lượng, quốc phòng, có hiệu lực đến hiện tại và xa hơn. Tổng thống Barack Obama thông báo với Tổng thống Vladimir Putin rằng các biện pháp chế tài là phản ứng trực tiếp với việc “Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.

- Năm 2015: Nga và Mỹ thêm mâu thuẫn về cuộc nội chiến Syria.

- Tháng 12.2016: Chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết định bổ sung thêm trừng phạt với Nga vì cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm này, giúp ông Donald Trump giành chiến thắng. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng cửa 2 khu đất ngoại giao của Nga ở New York và Maryland mà chính quyền ông Obama nói rằng được sử dụng cho các hoạt động tình báo. 35 nhân viên ngoại giao bị tình nghi là gián điệp Nga bị trục xuất khỏi Mỹ. 2 cơ quan tình báo Nga, 4 quan chức tại 2 cơ quan này cùng 3 công ty Nga bị cấm vận vì cáo buộc hỗ trợ hành động tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Nga bác bỏ cáo buộc, tuyên bố không đáp trả ngay và chờ xem quan hệ song phương có cải thiện hơn không dưới thời Tổng thống Donald Trump.

- Năm 2017: Sau khi nhậm chức, ông Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia xác định Nga 1 trong các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh an ninh và thịnh vượng của Mỹ.

- Tháng 4.2017: Sau những báo cáo của truyền thông về cáo buộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Rex Tillerson là quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền ông Trump gặp Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Sau các cuộc gặp, ông Tillerson nhận định, mối quan hệ song phương và lòng tin giữa 2 nước “ở mức thấp”.

- Tháng 7.2017: Hai ông Donald Trump và V. Putin lần đầu tiên gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Một dự luật chế tài mới đã được lưỡng viện Mỹ thông qua để trừng phạt cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Nga đáp trả bằng việc trục xuất 755 nhân viên ngoại giao và thu giữ 2 cơ sở ngoại giao của Mỹ.

- Tháng 8.2017: Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán ở San Francisco cùng 2 tòa lãnh sự tại Washington D.C. và New York nhằm trả đũa.

- Tháng 3.2018: Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, tịch thu các cơ sở ngoại giao Nga trên khắp nước Mỹ. Nga đáp trả bằng các động thái tương tự. VÂN ANH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn