MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhà nghiên cứu của Công ty Stermirna Therapeutics cho thấy thí nghiệm phát triển vaccine mRNA ngừa COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Thượng Hải công bố thành tựu mới trong nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19

HỒNG HẠNH LDO | 17/03/2020 11:10

Chính quyền Thượng Hải vừa công bố thành tựu phát triển vaccine chống COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc tính đến thời điểm này - vaccine mRNA - sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngay giữa tháng 4.

Vào ngày 17.3, chính quyền Thượng Hải thông báo thành tựu về việc phát triển vaccine mRNA chống COVID-19 dựa trên thử nghiệm ở động vật và sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào giữa tháng 4.

Ngoài ra, một loại vaccine khác để chống lại virus giống như hạt (VLP) được phát triển ở Thượng Hải cũng tạo ra các kháng thể đặc hiệu ở chuột.

Ông Yang Zhanqiu, nhà virus học Đại học Vũ Hán nhấn mạnh, điều này báo hiệu bước tiến lớn của Trung Quốc trong việc phát triển vaccine chống COVID-19 trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Yang cho hay, để hoàn thành các thử nghiệm vaccine trên động vật phải mất ít nhất 3 tháng, nếu thành công, vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trên người vào mùa Đông sắp tới.

"Thông thường phải mất 3 đến 5 năm, thậm chí 10 năm để phát triển vaccine", ông Yang chia sẻ. Mặc dù phải mất một thời gian dài để phát triển vaccine nhưng nghiên cứu vẫn có ý nghĩa trong việc rút ra những bài học về điều trị virus.

Công ty GL Biochem có trụ sở tại Thượng Hải, nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm Peptide, một loại vaccine khác, đã sản xuất gần 4.000 loại kháng nguyên Peptide cho hơn 30 công ty vaccine trong và ngoài nước như phòng thí nghiệm "SARS Hero" của Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), phòng thí nghiệm của Rolf Hilgenfeld, giáo sư nghiên cứu COVID-19 tại Đại học Lubeck ở Đức.

Ông Xu Hongyan, CEO của GL Biochem cho biết, vaccine dựa trên Peptide được tiêm vào cơ thể người để tạo ra kháng thể chống lại virus.

Các báo cáo truyền thông trước đây cho thấy, vaccine R&D  để ngừa SARS đã dừng do lo ngại về chu kỳ sản xuất và chi phí. Theo ông Xu, chi phí sản xuất R&D khoảng 3.000-4.000 nhân dân tệ. Ngoài ra, ông Xu nghĩ việc sản xuất vaccine sẽ không dừng lại bởi dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Kể từ khi virus bùng phát, các quốc gia trên thế giới đã dốc sức, nỗ lực nghiên cứu về điều trị, nghiên cứu thuốc và vaccine. Fosun Pharma, một công ty dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc, đã công bố vào ngày 15.3, họ sẽ hợp tác với công ty công nghệ sinh học BitoNTech của Đức để phát triển vaccine mRNA.

Các giới chức Y tế cho biết, Trung Quốc đã chia sẻ chuỗi di truyền COVID-19 vào đầu tháng 1, cho phép các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới tìm hiểu được cơ chế lây lan cũng như phát triển các nghiên cứu để chống virus SARS-CoV-2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn