MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo “Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch”. Ảnh chụp màn hình

Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm đối thoại tại nơi làm việc

Thanh Hà LDO | 23/02/2022 18:58
Kinh nghiệm ở Thụy Điển cho thấy đối thoại tại nơi làm việc sẽ đóng góp rất nhiều cho giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. 

Hội thảo “Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch” diễn ra ngày 23.2 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trong phát biểu tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe nhấn mạnh: “Đại dịch dẫn tới nhiều khủng hoảng cho nhiều cộng đồng khắp thế giới. Đại dịch cùng rất nhiều yếu tố khác khiến chúng ta phải cân nhắc lại phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh theo cách bền vững hơn”. 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nói thêm: "Kinh nghiệm ở Thụy Điển cho thấy đối thoại xã hội sẽ đóng góp rất nhiều cho giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch. Các tác động tiêu cực có thể giảm thiểu nếu chúng ta tạo ra môi trường xã hội gắn kết hơn thông qua các hoạt động kinh doanh bản chất bền vững, người lao động có thể cải thiện được các điều kiện làm việc, cải thiện cuộc sống riêng, các doanh nghiệp có thể tăng năng suất và chúng ta được hưởng lợi rất nhiều từ sự ổn định chung của xã hội''.

Đại sứ Ann Måwe hi vọng hàng trăm năm kinh nghiệm của Thụy Điển sẽ thúc đẩy nhiều cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam để tích hợp đối thoại xã hội cho phát triển kinh doanh bền vững. 

Chia sẻ từ Thụy Điển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde chỉ ra, đại dịch COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu với quyền của người lao động cũng như điều kiện làm việc. Bà bày tỏ hi vọng sự tham gia rất mạnh mẽ của Thụy Điển đối với quyền lợi của người lao động sẽ tạo động lực ở nội dung này. Thụy Điển đồng thời sẽ lắng nghe từ phía Việt Nam, mở rộng hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới cũng như trao quyền cho phụ nữ trên bình diện toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP), bà Alessandra Cornale - giám đốc SWP nhận định, khu vực tư nhân là một yếu tố đóng góp rất nhiều cho xã hội cũng như cộng đồng. Với mô hình Thụy Điển, chương trình SWP lấy con người là trọng tâm, đã đóng góp nhiều cho các hoạt động kinh doanh bền vững, thúc đẩy hợp tác đối tác cũng như đối thoại khác nhau trong nền tảng đối thoại xã hội, hỗ trợ cho những thay đổi ở nơi làm việc. 

"Đối thoại tại nơi làm việc giúp xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa quản lý và nhân viên. Mối quan hệ tốt hơn dẫn đến việc các nhân viên gắn bó và làm việc hiệu quả hơn và việc kinh doanh cũng bền vững hơn. Đối thoại tại nơi làm việc cũng là một công cụ để các công ty xác định và giảm thiểu rủi ro cũng như thiết lập một phương pháp cụ thể để xử lý các thách thức nảy sinh tại nơi làm việc'' - bà nhấn mạnh. 

Trong buổi hội thảo, các đại diện đến từ các công ty Thụy Điển trong các lĩnh vực khác nhau cũng chia sẻ những ví dụ bằng cách nào đối thoại xã hội đã cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động, cũng như đóng góp hiệu quả kinh tế cho các ngành công nghiệp.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đối thoại tại nơi làm việc được định nghĩa bao gồm tất cả các hình thức thương lượng, tham vấn hoặc đơn giản là trao đổi thông tin giữa hoặc giữa các đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến chính sách kinh tế và xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn