MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) đệ trình tài liệu gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO

Song Minh LDO | 08/03/2024 07:53

Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO ngày 7.3.2024.

Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của khối quân sự do Mỹ đứng đầu sau khi văn kiện chính thức hóa việc kết nạp Stockholm có hiệu lực vào ngày 7.3.2024 - RT đưa tin.

Lễ gia nhập được tổ chức tại Washington. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đệ trình các tài liệu của Stockholm cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tài liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố khẳng định rằng, tất cả các điều kiện để Thụy Điển gia nhập NATO đã được đáp ứng và nghị định thư về tư cách thành viên của Stockholm có hiệu lực vào ngày 7.3.2024.

Trong một bài đăng trên mạng X, Thủ tướng Kristersson cũng tuyên bố, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo với ông rằng, tất cả các thành viên NATO đã chính thức chấp nhận nghị định thư gia nhập của Thụy Điển và đã mời Stockholm tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Stockholm đưa ra quyết định chính thức cuối cùng về việc gia nhập khối, sau đó tổ chức họp báo. Thủ tướng Kristersson có bài phát biểu trước toàn quốc, theo Đài phát thanh Thụy Điển.

Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ chính sách không liên kết lâu đời và nộp đơn xin gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo vào năm 2022, với lý do lo ngại về an ninh sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Đề nghị gia nhập của hai nước phải được tất cả các thành viên hiện tại của khối phê chuẩn. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu phản đối, trong đó, Ankara cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các thành viên của các nhóm vũ trang bị coi là khủng bố theo luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần Lan và Thụy Điển cuối cùng đã cải cách luật chống khủng bố và cả hai hồ sơ gia nhập cuối cùng đều được phê chuẩn. Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 năm 2023.

Trong khi đó, Nga khẳng định rằng, việc NATO tiếp tục mở rộng gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này và đang gây bất ổn cho châu Âu, khiến khu vực này trở nên kém an toàn hơn.

Nga khẳng định, không có bất kỳ vấn đề gì với hai nước Scandinavia trước khi họ quyết định gia nhập khối do Mỹ đứng đầu, nhưng giờ đây sẽ buộc phải đáp trả bằng cách tổ chức lại và tăng cường lực lượng vũ trang trong khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn