MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa hành trình Taurus. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Tỉ lệ người Đức phản đối cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraina

Ngọc Vân LDO | 20/08/2023 16:09

Hơn 50% số người Đức được hỏi không muốn Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 cho Ukraina.

Kết quả thăm dò ý kiến của hãng thăm dò Đức ARD-DeutschlandTrend công bố hôm 18.8 cho thấy, hơn một nửa người Đức được hỏi phản đối ý tưởng cung cấp cho Ukraina tên lửa hành trình tầm xa, loại tên lửa có khả năng được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo kết quả khảo sát, khoảng 52% số người được hỏi kiên quyết phản đối việc cung cấp, chỉ có 36% ủng hộ và 12% không có ý kiến về vấn đề này.

Tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 của Thụy Điển - Đức có tầm bắn khoảng 500 km và mang theo đầu đạn nặng 500 kg, nếu được cung cấp sẽ bổ sung sức mạnh lớn cho kho vũ khí của Ukraina.

Cuộc thăm dò cho thấy nước Đức dường như vẫn chia rẽ sâu sắc về lập trường đối với cuộc xung đột Nga - Ukraina, cả về mặt địa lý và chính trị. Khoảng 70% người được hỏi ở miền đông nước Đức kiên quyết phản đối việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina, trong khi chỉ 47% ở miền tây nước Đức phản đối.

Về mặt đảng phái, khoảng 68% cử tri của Đảng Xanh ủng hộ việc cung cấp tên lửa, trong khi 56% cử tri của Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ. Trong khi đó, các cử tri của đảng cánh hữu AfD bác bỏ hoàn toàn ý tưởng này, với 76% được hỏi phản đối.

Tuy nhiên, cuộc thăm dò mới cho thấy mức độ phản đối việc cung cấp tên lửa Taurus thấp hơn đáng kể so với cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Forsa thực hiện hồi đầu tháng 8. Trong cuộc khảo sát đó, 66% bác bỏ ý tưởng gửi vũ khí tầm xa tới Ukraina.

Cho đến nay, các quan chức hàng đầu của Đức tỏ ra miễn cưỡng cung cấp tên lửa Taurus, bất chấp yêu cầu nhiều lần từ Ukraina.

Đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc chuyển giao vũ khí tầm xa không phải là ưu tiên hàng đầu của Berlin vào thời điểm hiện tại. Theo ông, những lo ngại về việc cung cấp vũ khí “phạm vi đặc biệt” như vậy là “hiển nhiên” và chỉ ra rằng chính Washington cũng đang trì hoãn việc cung cấp cho Kiev vũ khí tầm xa.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraina nhưng sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Xinhua

Phát biểu tại một sự kiện do báo Augsburger Allgemeine tổ chức hôm 18.8, Thủ tướng Scholz được hỏi liệu có nguy cơ Đức “tham gia vào cuộc chiến” hay không. Thủ tướng trả lời, mục đích của ông là ngăn chặn điều này và đó là lý do tại sao "không có binh lính Đức ở Ukraina và sẽ không có bất kỳ người nào".

Tuy nhiên, ông Scholz cho biết Berlin sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, và mỗi quyết định được đưa ra một cách thận trọng với sự phối hợp của các đồng minh. Theo Thủ tướng Scholz, phương Tây không muốn xung đột phát triển thành “cuộc chiến giữa Nga và NATO”.

Đầu tháng 8, nhà lập pháp Ukraina Egor Chernev nói rằng nhiều đồng nghiệp người Đức ủng hộ việc cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev. Ông Chernev tuyên bố các đảng phái chính trị của Đức đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề này và Ukraina hiện đang chờ quyết định chính thức.

Ukraina đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus ít nhất từ cuối tháng 5, mặc dù các quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, cho đến nay vẫn bác bỏ yêu cầu này. Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ đồng ý với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng không nên sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Không giống như Đức và Mỹ, Anh - cũng là quốc gia ủng hộ hàng đầu của Ukraina - đã cung cấp cho Kiev các tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn hơn 250 km. Tháng trước, Pháp cũng cam kết cung cấp tên lửa tầm xa SCALP, thực chất là một phiên bản nội địa hóa của Storm Shadow, từ các kho dự trữ trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn