MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa Caudipteryx. Ảnh: AFP

Tia hy vọng mới trong việc nhân bản khủng long

Nguyễn Hạnh LDO | 22/10/2021 19:00
ADN thời tiền sử khỏe mạnh đầu tiên đã được tìm thấy trong một hóa thạch khủng long được bảo quản hoàn hảo ở Trung Quốc.

Theo Science Times, viễn cảnh tạo ra một Công viên kỷ Jura trong thế giới thực dường như đang đến gần, đặc biệt là với những khám phá gần đây của các nhà khoa học. Một nhóm nhà khoa học từ Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống (IVPP) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và Bảo tàng Thiên nhiên Sơn Đông Tianyu (STM) cho biết đã tìm thấy các tế bào sụn được bảo quản tốt của một con khủng long ở đông bắc Trung Quốc.

Các nhà khoa học tin hóa thạch có thể chứa ADN thời tiền sử đầu tiên làm tăng khả năng nhân bản khủng long.

Các nhà khoa học thông tin, mảnh sụn hóa thạch của một con Caudipteryx 125 triệu năm tuổi đã được bảo quản một cách hoàn hảo trong tro núi lửa. Caudipteryx là một loài khủng long ăn tạp nhỏ cỡ con công với lông đuôi dài. Chúng từng sinh sống ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc trong giai đoạn đầu kỷ Phấn Trắng.

Các chuyên gia kết luận các tế bào khỏe mạnh, đồng thời nói thêm rằng các tế bào hóa thạch không thể được phân loại là "đá" vì chúng chứa các phân tử hữu cơ.

Các nhà khoa học cho biết, họ rất hào hứng với việc tìm thấy nhân tế bào đã hóa thạch vì nó là nơi mà ADN được tìm thấy. 

"Chúng tôi có dữ liệu sơ bộ tốt và thú vị. Chúng tôi cần tìm ra chính xác những phân tử hữu cơ đó là gì, tôi cũng hy vọng chúng tôi có thể tái tạo lại chuỗi ADN", giáo sư Alida Bailleul thuộc nhóm nghiên cứu nói.

Phát hiện được công bố ngày 24.9.2021 trên tạp chí Communications Biology. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn